8. Chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu ra công chúng của tổ chức tín dụng

Posted on

Tổ chức tín dụng hồ sơ đề nghị chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu ra công chúng theo quy định đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trường hợp thỏa mãn các yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời bằng văn bản về việc chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu ra công chúng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục trên dựa theo Luật Chứng khoán 2019Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 155/2020/NĐ-CPThông tư 01/2021/TT-NHNN.

1. Một số khái niệm cơ bản

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.(Khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019)

Trái phiếu là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. (Điều 5 Thông tư 01/2021/TT-NHNN)

2. Điều kiện và nguyên tắc phát hành trái phiếu

2.1 Điều kiện phát hành trái phiếu

Để chào bán trái phiếu ra công chúng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019.

Tổ chức phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau (khoản 2 Điều 19 Nghị định 155/2020/NĐ-CP):

+ Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc

+ Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền phải đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 13 Thông tư 01/2021/TT-NHNN như sau:

– Trường hợp tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, trong phương án phát hành trái phiếu phải có nội dung về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền như sau:

+ Người mua trái phiếu phải đáp ứng quy định pháp luật hiện hành về giới hạn góp vốn, mua cổ phần, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền;

+ Việc chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền chỉ được thực hiện sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền, tổ chức tín dụng và người sở hữu trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

2.2.  Nguyên tắc phát hành trái phiếu

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về các nguyên tắc phát hành trái phiếu như sau:

– Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

– Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm: để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

– Đối với phát hành trái phiếu xanh, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt.

Căn cứ theo Điều 12 Thông tư 01/2021/TT-NHNN về nguyên tắc phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng quy định như sau:

– Tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu phải tuân thủ các quy định tại Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, các quy định của pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư này.

– Riêng về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật, tổ chức tín dụng phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:

+ Tỷ lệ khả năng chi trả;

+ Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

+ Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

+ Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;

+ Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

+ Các tỷ lệ tiền gửi trung, dài hạn so với tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn.

3. Phê duyệt, thông qua, chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu

Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, chủ sở hữu công ty có trách nhiệm phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều lệ của công ty, quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật doanh nghiệp (Điểm a khoản 1 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

Phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế (khoản 28 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

Đối với công ty cổ phần:

– Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi và chào bán trái phiếu kèm chứng quyền, phương án phát hành phải được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Việc biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt phương án phát hành trái phiếu thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

– Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu thực hiện theo Điều lệ của công ty. Trường hợp Điều lệ của công ty không quy định khác thì Hội đồng quản trị có quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu nhưng phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất, báo cáo phải kèm theo tài liệu và hồ sơ chào bán trái phiếu.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu là Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc chủ sở hữu công ty theo Điều lệ của công ty.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, ngoài thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, phải tuân thủ quy định về việc huy động vốn quốc tế theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp phát hành thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu quy định trên, thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Phương án phát hành trái phiếu ra công chúng phải được cấp có thẩm quyền của tổ chức tín dụng thông qua theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.” (khoản 9 Điều 20 Nghị định 155/2020/NĐ-CP)

Kết luận: Chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu ra công chúng của tổ chức tín dụng dựa theo Luật Chứng khoán 2019Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 155/2020/NĐ-CPThông tư 01/2021/TT-NHNN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mâu, thực hiện tại đây

Chấp thuận Phương án phát hành trái phiếu ra công chúng của tổ chức tín dụng