15. Cấp/Cấp lại Giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ

Posted on

Cấp, cấp lại Giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ được tiến hành theo trình tự thủ tục luật định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008; Nghị định 03/2011/NĐ-CPThông tư 17/2014/TT-BYT.

1. Những khái niệm cơ bản

Hoạt động chữ thập đỏ là hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khoẻ; sơ cấp cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa. (Điều 2 Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008)

Sơ cấp cứu chữ thập đỏ là hoạt động sơ cấp cứu ban đầu đối với nạn nhân chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và các tai nạn, thảm họa khác do Hội chữ thập đỏ tổ chức thực hiện. (khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2014/TT-BYT)

2. Cấp Giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập

2.1. Điều kiện hoạt động đối với trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ (Điều 3 Thông tư 17/2014/TT-BYT)

– Cơ sở vật chất:

+ Có địa điểm cố định, có phòng sơ cấp cứu diện tích tối thiểu là 10 m2;

+ Bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường, quản lý chất thải, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;

+ Có đủ điện, nước phục vụ sơ cấp cứu;

+ Có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ;

+ Có số điện thoại liên lạc thường xuyên;

+ Có sổ ghi chép, phiếu sơ cấp cứu theo mẫu chung của Hội Chữ thập đỏ và sổ ghi chép được lưu trữ tại trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

– Trang thiết bị sơ cấp cứu:

+ Bộ nẹp cố định gãy xương;

+ Bông, băng, băng ga rô, gạc, cồn sát trùng;

+ Túi cứu thương;

+ Tủ đựng dụng cụ sơ cấp cứu;

+ Cáng cứu thương;

+ Xe cứu thương (nếu có).

– Nhân lực: Có tối thiểu 03 tình nguyện viên cấp II làm việc tại trạm, trong đó có 01 tình nguyện viên chuyên trách làm việc toàn thời gian tại trạm.

– Phạm vi hoạt động chuyên môn:

+ Được thực hiện các kỹ thuật sơ cấp cứu theo Danh mục quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

+ Không được sử dụng thuốc trong sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

– Địa điểm đặt trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ:

Trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải được đặt tại địa điểm thuận tiện giao thông, nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra.

2.2. Điều kiện hoạt động đối với điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ (Điều 4 Thông tư 17/2014/TT-BYT)

– Cơ sở vật chất:

+ Có địa điểm cố định, có phòng sơ cấp cứu diện tích tối thiểu 6 m2;

+ Có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ;

+ Có số điện thoại liên lạc thường xuyên;

+ Có sổ ghi chép, phiếu sơ cấp cứu theo mẫu chung của Hội Chữ thập đỏ và sổ ghi chép được lưu trữ tại điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

– Trang, thiết bị sơ cấp cứu:

+ Bộ nẹp cố định gãy xương;

+ Bông, băng, băng ga rô, cồn sát trùng, gạc;

+ Túi cứu thương;

+ Cáng cứu thương.

– Nhân lực: Có tối thiểu 02 tình nguyện viên cấp I làm việc tại điểm.

– Phạm vi hoạt động chuyên môn:

+ Được thực hiện các kỹ thuật sơ cấp cứu theo Danh mục quy định tại Bảng 1 Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

+ Trường hợp điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ có tình nguyện viên cấp II thì được thực hiện các kỹ thuật sơ cấp cứu theo Danh mục quy định tại Bảng 1 và Bảng 2 của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

+ Không được sử dụng thuốc trong sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

– Địa điểm đặt điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ:

Điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải được đặt tại địa điểm phù hợp, có thể đặt tại nhà dân, tại nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện nhanh chóng các hoạt động sơ cấp cứu.

2.3. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động

Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ thuộc địa bàn quản lý (Điều 5 Thông tư 17/2014/TT-BYT).

3. Thủ tục cấp, cấp lại giấy phép hoạt động

Giám đốc Sở Y tế ủy quyền cho phòng y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây viết tắt là phòng y tế) thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ (khoản 1 Điều 7 Thông tư 17/2014/TT-BYT).

Thủ tục cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 17/2014/TT-BYT được tiến hành như sau:

– Trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này đến phòng y tế;

– Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, phòng y tế phải thành lập tổ thẩm định để tổ chức thẩm định và có biên bản thẩm định gửi Sở Y tế theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, phòng y tế có văn bản hướng dẫn trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ hoàn thiện hồ sơ;

– Tổ thẩm định do trưởng phòng y tế làm tổ trưởng, các thành viên bao gồm: đại diện lãnh đạo bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện và trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi đặt trạm, điểm sơ cấp cứu;

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định của phòng y tế, Giám đốc Sở Y tế phải cấp giấy phép hoạt động cho trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý:

Khi thay đổi địa điểm, trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải bảo đảm các điều kiện hoạt động quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư này và báo cáo bằng văn bản về việc thay đổi địa điểm gửi phòng y tế để thẩm định các điều kiện hoạt động tại địa điểm mới. Sau khi thẩm định theo thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều này, phòng y tế gửi biên bản đến Sở Y tế để cấp lại giấy phép hoạt động theo địa điểm mới (khoản 1 Điều 7 Thông tư 17/2014/TT-BYT).

– Trường hợp giấy phép hoạt động của trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ bị mất, rách, hỏng thì trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ có trách nhiệm gửi đơn đề nghị cấp lại đến Sở Y tế theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2b ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại của trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ, Sở Y tế có trách nhiệm cấp lại giấy phép hoạt động cho trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ (khoản 1 Điều 7 Thông tư 17/2014/TT-BYT).

Kết luận:  Thủ tục Cấp/Cấp lại Giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập được tiến hành theo quy định tại Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008; Nghị định 03/2011/NĐ-CPThông tư 17/2014/TT-BYT.

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây

Cấp/Cấp lại Giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập