8. Cấp giấy phép hoạt động đối với trung tâm thuộc Bộ Quốc phòng
Chăm sóc sức khỏe là một vấn đề khá quan trọng đối với mỗi người dân, vì vậy mà các địa phương hay bất cứ tổ chức nào đều tổ chức cơ sở khám chữa bệnh cho mọi người, trong đó Bộ Quốc phòng cũng vậy. Việc Cấp giấy phép hoạt động đối với trung tâm thuộc Bộ Quốc phòng được thực hiện theo Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, Nghị định 176/2013/NĐ-CP, Nghị định 50/2019/NĐ-CP. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:
1. Một số khái niệm cơ bản
Khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận (khoản 1 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh (khoản 2 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật này (sau đây gọi chung là giấy phép hoạt động) (khoản 5 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cố định hoặc lưu động đã được cấp giấy phép hoạt động và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (khoản 7 Điều 7 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)
2. Điều kiện chung để cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh
Cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp phép hoạt động phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 16 Nghị định 50/2019/NĐ-CP bao gồm:
2.1. Điều kiện về cơ sở vật chất
– Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động);
– Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
– Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại
Lưu ý: Trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ thì không cần phân bổ khu vực tiệt trùng
2.2. Điều kiện về trang thiết bị y tế
– Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành;
– Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, không bắt buộc phải có trang thiết bị y tế quy định nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.
2.3. Điều kiện về nhân lực
– Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật;
– Trưởng các khoa chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của khoa chuyên môn đó;
– Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản;
– Kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học, được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm đọc và ký kết quả xét nghiệm;
– Cử nhân X – quang có trình độ đại học, được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sỹ X – quang thì bác sỹ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đọc và ký kết quả chẩn đoán hình ảnh;
– Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.
2.4. Phạm vi hoạt động chuyên môn
– Thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo danh mục do Bộ Quốc phòng quyết định;
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe theo quy định của pháp luật;
– Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ được Bộ Quốc phòng quyết định.
3. Điều kiện cấp phép đối với trung tâm thuộc Bộ Quốc phòng
Trung tâm thuộc Bộ Quốc phòng là một loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên để hoạt động trong lĩnh vực này thì Trung tâm bên cạnh việc đáp ứng các điều kiện chung về cấp phép cho cơ sở khám chữa bệnh thì còn phải đáp ứng thêm các điều kiện riêng chỉ quy định cho Trung tâm tại Điều 18 Nghị định 50/2019/NĐ-CP như sau:
– Quy mô: phải có ít nhất là 10 giường bệnh.
– Cơ sở vật chất: Tùy theo quy mô, trung tâm phải được thiết kế, xây dựng đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Bố trí các bộ phận bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên trung tâm;
– Bảo đảm các điều kiện về xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật về môi trường.
– Thiết bị y tế: Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài trung tâm.
– Tổ chức các khoa:
– Có ít nhất 02 khoa nội, ngoại hoặc một khoa lâm sàng phù hợp đối với chuyên ngành theo nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật của trung tâm;
– Có nơi tiếp đón người bệnh, phòng cấp cứu, lưu bệnh, phòng khám, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu);
– Có bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh);
– Có bộ phận dược và các bộ phận chuyên môn khác phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ;
– Có các bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán và các chức năng cần thiết khác.
– Nhân sự: số lượng cán bộ, nhân viên; tỷ lệ cơ cấu thành phần; chức danh từng vị trí theo biểu tổ chức, biên chế được cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Thu hồi giấy phép hoạt động
Trung tâm chỉ được hoạt động khi được cấp phép ngoài ra trong quá trình hoạt động giấy phép có thể bị thu hồi nếu rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 như sau:
– Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền;
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm các điều kiện quy định
– Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không hoạt động.
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạm dừng hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc chấm dứt hoạt động.
Lưu ý: Bộ Quốc phòng sẽ ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động khi phát hiện ra một trong các trường hợp trên
5. Thẩm quyền cấp phép
Trung tâm để được cấp phép hoạt động thì sau khi đáp ứng các điều kiện quy định về cấp phép cả điều kiện chung lẩn riêng thì hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp phép nộp cho cơ quan có thẩm quyền, và theo quy định tại Điều 24 Nghị định 50/2019/NĐ-CP thì thẩm quyền thuộc về Cục quân y cụ thể: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Quân y tiến hành xét duyệt hồ sơ và hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
6. Xử phạt hành chính
Bên cạnh trường hợp đáp ứng các điều kiện để được cấp phép thì khi vi phạm cũng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Hoạt động không có biển hiệu hoặc có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động;
– Không công khai tên người hành nghề, thời gian làm việc hoặc không niêm yết giá dịch vụ.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Không báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động trong trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Không báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động trong trường hợp thay đổi người hành nghề là người nước ngoài theo quy định của pháp luật;
– Thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết;
– Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực hoặc cơ sở vật chất hoặc trang thiết bị y tế trong quá trình hoạt động.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Từ chối tiếp nhận người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý tổ chức thực hiện chữa bệnh bắt buộc đối với người không thuộc diện chữa bệnh bắt buộc;
– Không xử lý chất thải y tế theo quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
– Hoạt động không đúng địa điểm ghi trong giấy phép hoạt động.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Thuê, mượn giấy phép hoạt động;
– Cho thuê, mượn giấy phép hoạt động.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động;
– Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu;
Kết luận: Trung tâm thuộc Bộ Quốc phòng là một loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên để hoạt động trong lĩnh vực này thì Trung tâm phải đáp ứng các điều kiện về cấp phép quy đinh tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, Nghị định 176/2013/NĐ-CP, Nghị định 50/2019/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp giấy phép hoạt động đối với trung tâm thuộc Bộ Quốc phòng