13. Tự nguyện rút công nhận Bên thứ ba (TPE) .
Dự án JCM có mục tiêu cắt giảm phát thải hoặc tăng cường hấp thụ khí nhà kính để hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện quốc gia của Việt Nam. Bên thứ ba (TPE) là tổ chức pháp nhân đủ điều kiện để thẩm định, thanh tra các dự án JCM. Từ đó, có thể thấy rằng việc được công nhận là Bên thứ ba (TPE) rất được quan tâm, đóng vai trò then chốt cho mỗi dự án JCM. Bên cạnh đó, tổ chức cũng có thể tự nguyện rút đơn công nhận. Dưới đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ đề cập các quy định pháp luật về việc tự nguyện rút đơn công nhận của Bên thứ ba theo Thông tư 17/2015/TT-BTNMT.
1. Khái quát cơ bản
Cơ chế tín chỉ chung (JCM) là cơ chế trong khuôn khổ hợp tác phát triển các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm thúc đẩy việc đầu tư, chuyển giao và phổ biến các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải các-bon thấp ở các lĩnh vực khác nhau để hướng tới phát triển các-bon thấp ở Việt Nam, hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản và đóng góp vào mục tiêu chung của quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. (theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).
Dự án JCM là dự án được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mục tiêu cắt giảm phát thải hoặc tăng cường hấp thụ khí nhà kính để hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản và phù hợp với điều kiện quốc gia của Việt Nam. (theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).
Điều kiện trở thành dự án JCM
– Là dự án được xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với chiến lược, quy hoạch trong các lĩnh vực liên quan của Bộ, ngành, địa phương và góp phần đảm bảo phát triển bền vững của Việt Nam;
– Việc xây dựng và thực hiện dự án phải trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam và có sự tham gia của đối tác Nhật Bản.
Tổ Thư ký phía Việt Nam là tổ công tác gồm một số cán bộ của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp việc cho UBHH phía Việt Nam. UBHH sử dụng Tổ Thư ký trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án JCM. (theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).
Bên thứ ba (TPE) của dự án JCM là tổ chức pháp nhân đủ điều kiện do UBHH chỉ định, và theo yêu cầu từ bên tham gia dự án JCM làm nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra các dự án JCM. (theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).
2. Công nhận bên thứ ba
2.1 Điều kiện công nhận Bên thứ ba (TPE)
Tổ chức đáp ứng 1 trong 2 điều kiện dưới đây:
– Có giấy Chứng nhận tiêu chuẩn ISO 14.065 do IAF cấp theo tiêu chuẩn ISO 14.064-2, hoặc
– Có giấy Chứng nhận là tổ chức nghiệp vụ của Cơ chế CDM.
2.2 Thẩm quyền công nhận
Thẩm quyền công nhận bên thứ ba: Uỷ ban Hỗn hợp
Ủy ban Hỗn hợp (UBHH) bao gồm: đại diện của Việt Nam và Nhật Bản để chỉ đạo, điều phối và quản lý các hoạt động thực hiện JCM theo Bản ghi nhớ hợp tác
Đứng đầu UBHH gồm 02 đồng chủ tịch là đại diện của Việt Nam và Nhật Bản. Phía Việt Nam, các thành viên tham gia UBHH gồm đồng chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đại diện của các Bộ ngành có liên quan.
(theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).
2.3 Công nhận Bên thứ ba (TPE)
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đề nghị công nhận TPE qua thư điện tử bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho Tổ thư ký.
Tổ Thư ký thông báo qua thư điện tử kết quả kiểm tra hồ sơ theo quy định.
– Đối với hồ sơ không đầy đủ, Tổ thư ký gửi thông báo một (01) lần duy nhất để tổ chức, cá nhân biết để bổ sung hoàn thiện hồ sơ;
– Đối với hồ sơ đầy đủ, Tổ thư ký trình UBHH xem xét và quyết định.
Sau khi nhận được hồ sơ từ Tổ thư ký, UBHH xem xét, thẩm định và ra quyết định công nhận hoặc không công nhận TPE.
Trong trường hợp không công nhận, UBHH công bố lý do.
Tổ thư ký thông báo qua thư điện tử đến tổ chức quyết định của UBHH công nhận hoặc không công nhận TPE kèm theo lý do. Quyết định công nhận và các thông tin về TPE sẽ được Tổ thư ký đăng tải trên trang thông tin điện tử của JCM.
Các TPE được phép hoạt động trong lĩnh vực đăng ký tại đã được cấp phép hoạt động bởi Ban chấp hành quốc tế về CDM hoặc một trong các thành viên của IAF. Trong trường hợp TPE muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình, TPE gửi Đơn đến Tổ thư ký, trong đó mô tả lĩnh vực hoạt động bổ sung. Tổ thư ký sẽ trình UBHH xem xét và quyết định công nhận hay không công nhận TPE hoạt động trong lĩnh vực này.
(theo Điều 6 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT)
3. Tự nguyện rút đơn công nhận Bên thứ ba (TPE)
Bên thứ ba gửi yêu cầu tự nguyện rút công nhận TPE trong một số hoặc toàn bộ lĩnh vực hoạt động có liên quan đến Tổ thư ký thông qua thư điện tử với các thông tin sau:
– Tên của TPE muốn tự nguyện rút công nhận;
– Chữ ký điện tử của người đại diện;
– Các lĩnh vực tự nguyện rút công nhận;
– Thời điểm việc tự nguyện rút công nhận có hiệu lực.
– Khi tự nguyện rút công nhận trong một số hoặc toàn bộ lĩnh vực hoạt động, TPE có trách nhiệm thông báo cho Tổ thư ký và các bên có liên quan đến dự án JCM.
– Tổ thư ký trình UBHH quyết định việc hoạt động của TPE khi TPE rút tự nguyện công nhận.
(theo Điều 8 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT)
Kết luận: Việc tự nguyện rút đơn yêu cầu của Bên thứ ba (TPE) phải tuân thủ đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế theo Thông tư 17/2015/TT-BTNMT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Tự nguyện rút công nhận Bên thứ ba (TPE) (TTHC cấp trung ương).