20. Gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam
Gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam là thủ tục hành chính được thực hiện trong các trường hợp như Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam hết hạn mà tổ chức đó vẫn có nhu cầu tiếp tục hoạt động tại Việt Nam, Giấy phép này mất hoặc là cần thay đổi, bổ sung nội dung của Giấy phép. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHCN, Thông tư 298/2016/TT-BTC.
1. Một số khái niệm cơ bản
Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (khoản 1 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (khoản 2 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ (khoản 3 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật (khoản 11 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Lưu ý:
– Tổ chức khoa học và công nghệ có quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc, văn phòng đại diện, chi nhánh trong nước và ở nước ngoài để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan (khoản 3 Điều 13 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
2. Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 08/2014/NĐ-CP:
– Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của tổ chức khoa học và công nghệ, đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của tổ chức khoa học và công nghệ và thực hiện bảo vệ các lợi ích đó.
– Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức khoa học và công nghệ, thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
– Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ không có tư cách pháp nhân, không được thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh trực thuộc. Lĩnh vực hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.
3. Văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài
3.1. Điều kiện để tổ chức khoa học và công nghệ nước ngaoì được thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam
Việc thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 15 Luật Khoa học và công nghệ 2013):
– Là tổ chức khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức quốc tế, quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký hoạt động;
– Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật này;
– Hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà Việt Nam có nhu cầu;
– Cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3.2. Điều kiện của văn phòng đại diện, chi nhánh
Văn phòng đại diện, chi nhánh phải đáp ứng những điều kiện sau (khoản 1 Điều 20 Nghị định 08/2014/NĐ-CP):
– Lĩnh vực hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.
– Việc thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh được quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.
– Văn phòng đại diện phải có ít nhất 02 (hai) người có trình độ cao đẳng trở lên; chi nhánh phải có ít nhất 03 (ba) người có trình độ đại học trở lên, trong đó ít nhất 01 (một) người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động. Người đứng đầu phải có trình độ đại học trở lên và làm việc chính thức tại văn phòng đại diện, chi nhánh.
– Văn phòng đại diện, chi nhánh phải có trụ sở như đối với tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định này.
Lưu ý:
– Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và có thời hạn không quá 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trong trường hợp pháp luật quốc gia đó có quy định thời hạn giấy đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài (khoản 3 Điều 15 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
3.3. Quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài
Văn phòng đại diện, chi nhánh có các quyền sau đây (khoản 1 Điều 22 Nghị định 08/2014/NĐ-CP):
– Được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Có con dấu mang tên văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật khác có liên quan;
– Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh;
– Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh;
– Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh theo quy định của pháp luật khác có liên quan;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.
Văn phòng đại diện, chi nhánh có các nghĩa vụ sau đây (khoản 2 Điều 22 Nghị định 08/2014/NĐ-CP):
– Hoạt động theo đúng nội dung, lĩnh vực hoạt động quy định trong Giấy phép thành lập;
– Thực hiện đăng ký thay đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật khác có liên quan;
– Trưởng văn phòng đại diện, chi nhánh chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam, có trách nhiệm định kỳ báo cáo bằng văn bản về hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam cho cơ quan cấp Giấy phép thành lập trước ngày 15 tháng 12 hằng năm; báo cáo, cung cấp tài liệu, giải thích những vấn đề liên quan khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
– Trưởng văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.
4. Gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam.
– Đề nghị gia hạn Giấy phép: Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN thì trong thời hạn ít nhất 30 ngày trước khi Giấy phép hết hạn, tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài nếu có nhu cầu tiếp tục hoạt động tại Việt Nam phải làm thủ tục gia hạn Giấy phép. Thời hạn gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài căn cứ theo thời gian hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài (nếu có) và không vượt quá 5 năm.
– Đề nghị cấp lại Giấy phép: Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN thì trường hợp mất Giấy phép phải đăng ký cấp lại sau khi đã khai báo với cơ quan công an nơi mất và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày thông báo lần cuối cùng, văn phòng đại diện, chi nhánh nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép.
– Đề nghị thay đổi, bổ sung Giấy phép: Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN thì khi đề nghị thay đổi, bổ sung nội dung của Giấy phép, văn phòng đại diện, chi nhánh vẫn phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu tương ứng được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 15 của Luật Khoa học và Công nghệ. Giấy phép được cấp sau khi thay đổi, bổ sung có thời hạn không vượt quá thời hạn của Giấy phép đã được cấp. Các nội dung thay đổi, bổ sung Giấy phép gồm:
+ Thay đổi thông tin về tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài ghi trong Giấy phép.
+ Thay đổi tên của văn phòng đại diện, chi nhánh.
+ Thay đổi địa chỉ trụ sở của văn phòng đại diện, chi nhánh.
+ Thay đổi về người đứng đầu.
+ Thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh.
Lưu ý:
– Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN thì kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, thời hạn thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép trong trường hợp thay đổi, bổ sung, cấp lại Giấy phép là 15 ngày làm việc; trường hợp gia hạn Giấy phép là 30 ngày làm việc. Trường hợp cơ quan cấp giấy phép không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy phép
5.1. Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực đến 06 tháng trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 11 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN):
– Quá 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, văn phòng đại diện, chi nhánh không triển khai hoạt động;
– Ngừng hoạt động quá 12 tháng liên tục mà không có lý do chính đáng;
– Không còn đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP trong thời hạn 12 tháng liên tục;
– Không đăng ký thay đổi, bổ sung, cấp lại Giấy phép trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có thay đổi, bổ sung hoặc mất Giấy phép.
5.2. Giấy phép bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây (khoản 2 Điều 11 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN):
– Giả mạo nội dung kê khai trong hồ sơ để được cấp Giấy phép;
– Quá thời hạn đình chỉ hiệu lực Giấy phép mà văn phòng đại diện, chi nhánh không tiến hành các biện pháp khắc phục hoặc không khắc phục được theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
– Theo quyết định, đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền khi văn phòng đại diện, chi nhánh có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động;
– Theo quyết định chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;
– Tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài chấm dứt hoạt động.
6. Xử phạt vi phạm hành chính
6.1. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 5 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP):
– Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ khi không có Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;
– Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ không đúng lĩnh vực ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;
– Không duy trì các điều kiện hoạt động như khi đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
6.2. Phạt tiền từ 10 000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 6 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP):
– Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ khi Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực;
– Cho thuê hoặc cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.
6.3. Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu có nội dung sai sự thật trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài (khoản 7 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP).
6.4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức có hành vi quy định tại điểm b khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP (khoản 8 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP).
6.5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP (khoản 9 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP).
Kết luận: Gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam là thủ tục hành chính được thực hiện trong các trường hợp như Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam hết hạn mà tổ chức đó vẫn có nhu cầu tiếp tục hoạt động tại Việt Nam, Giấy phép này mất hoặc là cần thay đổi, bổ sung nội dung của Giấy phép. Khi thực hiện thủ tục này, các tổ chức cần tuân thủ theo quy định tại Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam