21. Cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Posted on

Về cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật khoa học và công nghệ năm 2013 sửa đổi bổ sung năm 2019, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Nghị định 13/2019/NĐ-CP như sau:

1. Khái niệm

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (khoản 1 Điều 58 Luật khoa học và công nghệ năm 2013).

2. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ

2.1 Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây (khoản 2 Điều 58 Luật khoa học và công nghệ năm 2013):

– Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;

– Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

– Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

2.2 Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (Điều 57 Luật khoa học và công nghệ năm 2013):

Doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá được quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn.

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về công nghệ cao. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nước được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại ngân hàng.

Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây (khoản 2 Điều 58 Luật khoa học và công nghệ năm 2013):

– Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

– Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

– Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

– Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

– Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

3. Cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

3.1 Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Điều 4 Nghị định 13/2019/NĐ-CP)

– Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ là căn cứ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ và có hiệu lực trên toàn quốc.

– Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

– Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ là căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

3.2 Điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Điều 5 Nghị định 13/2019/NĐ-CP)

Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ khi đáp ứng các điều kiện sau:

Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;

– Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định;

– Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.

Như vậy, doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm đáp ứng các điều kiện quy định về được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định thì được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

3.3 Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định 13/2019/NĐ-CP)

Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trừ các trường hợp sau thì Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:

– Các kết quả khoa học và công nghệ được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt; có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, nhất là môi trường, sức khỏe; hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông;

– Doanh nghiệp được thành lập từ việc chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ công lập mà đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ;

Sở Khoa học và Công nghệ chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

– Doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

3.5 Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ về cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định 19/2019/NĐ-CP trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 9 Nghị định 13/2019/NĐ-CP):

– Thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp;

– Bổ sung danh mục sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ;

– Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác.

3.6 Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định 13/2019 thông báo cho doanh nghiệp và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các trường hợp sau:

– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Trong 5 năm liên tiếp, doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ không năm nào đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; trừ trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian 5 năm đầu tiên kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ không thực hiện chế độ báo cáo trong 03 năm liên tiếp theo quy định;

– Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp không đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định.

Lưu ý: Trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp không tiếp tục được hưởng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Cơ quan có thẩm quyền thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp và quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các trường hợp sau:

– Có hành vi xâm phạm quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả khoa học và công nghệ đã kê khai trong hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

– Có hành vi giả mạo nội dung hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Lưu ý: Trường hợp bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp bị truy thu toàn bộ các khoản kinh phí, những lợi ích khác đã được hưởng và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Xử lý vi phạm hành chính

Vi phạm quy định về báo cáo, đăng ký, triển khai hoạt động và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ (Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP):

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo tình hình hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc ở nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phép thành lập.

–  Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được thành lập;

+ Không đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày có thay đổi, bổ sung nội dung ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng trình tự, thủ tục giải thể tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ.

– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ khi không có Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;

+ Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ không đúng lĩnh vực ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;

+ Không duy trì các điều kiện hoạt động như khi đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

– Phạt tiền từ 10 000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ khi Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực;

+ Cho thuê hoặc cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.

– Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu có nội dung sai sự thật trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.

– Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc ở nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài khi chưa có sự cho phép của Bộ Khoa học và Công nghệ;

– Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức có hành vi quy định tại điểm b khoản 5, điểm b khoản 6 Điều này.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.

Kết luận:  Doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định khi có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ gửi hồ sơ đề nghị chứng nhận về Bộ Khoa học và Công nghệ theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ