39. Đăng ký tài trợ của nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ

Posted on

Việc Đăng ký tài trợ của nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ được thực hiện theo Nghị định 40/2014/NĐ-CP, Nghị định 27/2020/NĐ-CP, Thông tư 09/2015/TT-BKHCN. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Tiêu chuẩn nhà khoa học trẻ tài năng

Khoản 3 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN quy định: Nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 23 Nghị định 40/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP)cụ thể như sau: nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi, có trình độ tiến sĩ trở lên, có kết quả học tập xuất sắc các năm học bậc đại học và đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

Chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học và công nghệ trong nước hoặc quốc tế theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

– Là tác giả chính ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc là tác giả của ít nhất 02 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có ít nhất 01 sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội; hoặc là chủ nhiệm một nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu mà kết quả/sản phẩm mang lại có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế – xã hội. Cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nếu không đáp ứng điều kiện này phải có ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước và có ít nhất 03 lần tham gia chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia hoặc tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành quốc tế.

2. Hỗ trợ nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ

2.1. Điều kiện xem xét hỗ trợ (khoản 1 Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN)

Quỹ xem xét, hỗ trợ khi nhà khoa học đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác:

– Nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

– Có nhu cầu sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ có ý nghĩa và thiết thực.

2.2. Tiêu chí xem xét hỗ trợ (Khoản 2 Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN)

Tiêu chí để được xem xét hỗ trợ được quy định gồm những tiêu chí sau đây:

– Chất lượng của thuyết minh đề cương nghiên cứu;

– Thành tích nghiên cứu của người đề nghị tài trợ;

– Sự phù hợp chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất của phòng thí nghiệm được đề nghị hỗ trợ sử dụng;

– Dự toán kinh phí hợp lý.

2.3. Nội dung hỗ trợ (Khoản 3 Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN)

Quỹ hỗ trợ chi phí sử dụng trang thiết bị, dịch vụ tại phòng thí nghiệm trong thời gian tối đa hai (02) năm, bao gồm:

– Chi phí vận hành máy móc, thiết bị (bao gồm cả chi phí nhân công) tại phòng thí nghiệm được lãnh đạo đơn vị chủ quản phòng thí nghiệm phê duyệt;

– Kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng trong quá trình thực hiện thí nghiệm; kinh phí thuê các dịch vụ được cung cấp bởi phòng thí nghiệm.

3. Một số lưu ý

Nơi nộp hồ sơ: Văn phòng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia;

Thời gian nộp hồ sơ: tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị tài trợ hoạt động hỗ trợ nhà khoa học trẻ tài năng chậm nhất ba (03) tháng trước ngày dự kiến sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN. Quỹ sẽ tiếp nhận, tiến hành đánh giá xét chọn hồ sơ và thông báo quyết định tài trợ đối với hồ sơ được chấp nhận tài trợ.

Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng: Trường hợp nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng được cấp từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (địa phương không có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ). hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (địa phương có Qũy phát triển khoa học và công nghệ). (Điều 25 Nghị định 40/2014/NĐ-CP)

Kết luận: Nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP, Nghị định 27/2020/NĐ-CP, Thông tư 09/2015/TT-BKHCN thì được đăng ký tài trợ sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký tài trợ của nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ