45. Đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ

Posted on

Việc đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ được thực hiện theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật khoa học và công nghệ năm 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Nghị định 51/2019/NĐ-CP, Nghị định 23/2014/NĐ-CP, Thông tư 37/2014/TT-BKHCN như sau:

1. Khái niệm 

Đề tài khoa học và công nghệ là nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nội dung chủ yếu là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn, bao gồm đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài nghiên cứu ứng dụng, đề tài triển khai thực nghiệm hoặc kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm (khoản 4 Điều 3 Nghị định 08/2014/NĐ-CP).

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ là những vấn đề khoa học và công nghệ cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển khoa học và công nghệ (khoản 13 Điều 3 Luật khoa học và công nghệ năm 2013)

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ: Quỹ là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và tại các ngân hàng trong nước. Quỹ có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội, văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác (Điều 2 Nghị định 23/2014/NĐ-CP).

2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 7 Nghị định 95/2014/NĐ-CP)

2.1 Mục đích thành lập

Quỹ được sử dụng vào mục đích theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Khoa học và công nghệ năm 2013: nhằm mục đích tài trợ, cấp kinh phí cho việc thực hiện nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; tài trợ, cấp kinh phí cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng; cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi để thực hiện việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống; bảo lãnh vốn vay đối với một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt; hỗ trợ nhà khoa học trẻ tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

2.2 Điều kiện thành lập (khoản 1 Điều 7 Nghị định 95/2014/NĐ-CP)

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đảm bảo vận hành Quỹ; biên chế sự nghiệp được điều tiết trong phạm vi tổng biên chế sự nghiệp hiện có;

+ Đảm bảo cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác;

+ Không làm tăng chi phí quản lý từ ngân sách nhà nước.

2.3 Thầm quyền thành lập và nguồn hình thành Quỹ (khoản 2 và 4 Điều 7 Nghị định 95/2014/NĐ-CP)

– Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là đơn vị sự nghiệp do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập.

– Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị sự nghiệp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập.

Quỹ được hình thành từ các nguồn sau:

+ Vốn được cấp lần đầu từ ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Vốn bổ sung hàng năm từ phân bổ ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh;

+ Các nguồn thu từ kết quả hoạt động của quỹ;

+ Kinh phí được điều chuyển tự nguyện hoặc nhận ủy thác từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

+ Nhận ủy thác từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng và nhận ủy thác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.

3. Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài (Điều 10 Thông tư 37/2014/TT-BKHCN)

3.1 Đối với tổ chức chủ trì đề tài:

+ Các tổ chức khoa học và công nghệ có đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài;

+ Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức chủ trì đối với các đề tài đã được Quỹ tài trợ quy định tại Khoản 1 và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Thông tư này.

3.2 Đối với chủ nhiệm đề tài:

+ Có chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu đề tài, đang làm công tác nghiên cứu tại một tổ chức khoa học và công nghệ. Trường hợp chủ nhiệm đề tài không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ nào, phải được một tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam uy tín trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp bảo trợ và chấp nhận làm tổ chức chủ trì;

+ Có năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài: có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

+ Có đủ thời gian để hoàn thành nội dung nghiên cứu của đề tài theo quy định. Trường hợp chủ nhiệm đề tài đi công tác, làm việc tại nước ngoài, tổng thời gian ở nước ngoài không quá 1/3 thời gian thực hiện đề tài;

+ Không vi phạm các điều kiện đăng ký chủ trì, tham gia đề tài theo quy định tại Khoản 5 Điều 19 Thông tư này.

3.3 Thành viên nhóm nghiên cứu đề tài phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài, bao gồm:

+ Thành viên nghiên cứu chủ chốt, thư ký khoa học: có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu phù hợp được công bố trên các tạp chí quốc gia hoặc quốc tế có uy tín trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ.

Trường hợp là thạc sĩ phải có kết quả nghiên cứu phù hợp, có 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín hoặc 01 sách chuyên khảo đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ;

+ Nghiên cứu sinh tham gia thực hiện đề tài phải có nội dung luận án phù hợp với đề tài, có quyết định giao đề tài luận án không quá 24 tháng tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ;

+ Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ khác.

Lưu ý: Mỗi cá nhân được đồng thời tham gia không quá 02 đề tài trong đó làm chủ nhiệm không quá 01 đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ.

4. Yêu cầu về thời gian thực hiện và kết quả nghiên cứu của đề tài (Điều 11 thông tư 37/2014/TT-BKHCN)
4.1 Yêu cầu về Thời gian thực hiện đề tài (khoản 1 Điều 11 thông tư 37/2014/TT-BKHCN)

+ Đối với đề tài nghiên cứu lý thuyết, thời gian thực hiện không quá 24 tháng.

+ Đối với đề tài nghiên cứu thực nghiệm, thời gian thực hiện không quá 36 tháng.

+ Đối với đề tài do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện, căn cứ đề xuất của chủ nhiệm đề tài và kiến nghị của Hội đồng Khoa học, Hội đồng Quản lý Quỹ xem xét, quyết định thời gian phù hợp để thực hiện đề tài.

4.2 Yêu cầu về kết quả nghiên cứu của đề tài (khoản 2 và 3 Điều 11 thông tư 37/2014/TT-BKHCN)

– Kết quả nghiên cứu của đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật phải có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín.

– Kết quả nghiên cứu của đề tài trong lĩnh vực xã hội và nhân văn phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:

+ Có ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín;

+ Có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Trường hợp vấn đề nghiên cứu không thể công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, kết quả đề tài phải có ít nhất 01 sách chuyên khảo (đã xuất bản hoặc dưới dạng bản thảo được đánh giá đủ điều kiện để xuất bản) và 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín. Hội đồng khoa học đề xuất các trường hợp này để Quỹ xem xét, quyết định.

Đề tài mang tính thăm dò, khám phá, kết quả nghiên cứu phải có ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Đề tài do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện, kết quả nghiên cứu phải có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí ISI có uy tín và 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín.

– Chủ nhiệm đề tài là tác giả chính (đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật), tác giả (đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và không thuộc trường hợp vấn đề nghiên cứu không thể công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín nêu tại khoản 3 Điều này) của ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín là kết quả của đề tài.

– Công trình công bố phải chú thích là kết quả nghiên cứu của đề tài được Quỹ Phát triển khoa học công nghệ.

5. Xử phạt vi phạm hành chính (Điều 7 Nghị định 51/2019/NĐ-CP)

– Phạt cảnh cáo đối với hành vi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước vượt quá thời gian đã cam kết mà chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ, tài liệu để phục vụ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có số liệu, nội dung sai sự thật.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Kê khai sai sự thật trong hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, xét giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

+ Báo cáo sai sự thật về tiến độ, nội dung, kết quả nghiên cứu.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có số liệu, nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 51/2019/NĐ-CP;

+ Buộc hủy bỏ báo cáo sai sự thật về tiến độ, nội dung, kết quả nghiên cứu đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 51/2019/NĐ-CP.

Kết luận: Khi có nhu cầu đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ ,căn cứ thông báo hằng năm của Quỹ, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học đề xuất đề tài, lập Hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài và gửi đến Quỹ theo quy định tại Thông tư 37/2014/TT-BKHCN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ