4. Cấp, cấp điều chỉnh, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG
Thương nhân hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu LNG cần được cơ quan có thẩm quyền cấp/cấp điều chỉnh/cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương thân xuất khẩu, nhập khẩu LNG theo quy định của luật. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Thông tư 37/2018/TT-BCT.
1. Khái niệm
Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 87/2018/NĐ-CP:
– Khí thiên nhiên hóa lỏng là sản phẩm hydrocacbon ở thể lỏng, có nguồn gốc từ khí tự nhiên với thành phần chủ yếu là Metan (công thức hóa học: CH4 tên tiếng Anh: Liquefied Natural Gas (viết tắt là LNG).
– Tại nhiệt độ, áp suất bình thường LNG ở thể khí và khi được làm lạnh đến nhiệt độ nhất định LNG chuyển sang thể lỏng.
2. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 87/2018/NĐ-CP:
– Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG được thực hiện theo phương án kinh doanh của thương nhân và phải bảo đảm chất lượng LNG xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.
– Được ủy quyền bằng văn bản cho chi nhánh hoặc công ty con bán LNG vào khu phi thuế quan.
– Được tổ chức mua, bán LNG theo hợp đồng với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực và khách hàng công nghiệp.
– Quy định giá bán LNG cho thương nhân thuộc hệ thống mình quản lý.
– Tổ chức thực hiện dịch vụ và cung ứng các dịch vụ cho thuê: kho chứa, cảng xuất, nhập, giao nhận, phương tiện vận chuyển LNG.
– Được thiết lập hệ thống phân phối kinh doanh khí theo quy định của Luật thương mại.
– Kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối do thương nhân quản lý tuân thủ các quy định của Nghị định này.
– Liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của hệ thống phân phối do thương nhân quản lý trong hoạt động kinh doanh khí theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện kiểm định theo quy định bồn chứa LNG; thiết bị phụ trợ kinh doanh LNG thuộc sở hữu thương nhân.
– Kiểm tra chất lượng, bảo dưỡng và thay thế thiết bị phụ trợ dùng LNG, bảo đảm an toàn cho khách hàng sử dụng.
– Phải xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng đối với sản phẩm khí.
– Tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
– Tuân thủ các quy định về quản lý an toàn, phòng cháy và chữa cháy, quản lý đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh khí quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
– Phải thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm khí do mình nhập khẩu. Trường hợp, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu có thực hiện pha chế khí, trong đó có sử dụng phụ gia để pha chế khí thì thương nhân phải thông báo về Bộ Khoa học và Công nghệ tiêu chuẩn của phụ gia và cam kết bảo đảm chất lượng phụ gia không ảnh hưởng đến an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường và chất lượng khí.
– Trước 30 tháng 3 hàng năm có trách nhiệm báo cáo hệ thống phân phối, nhãn hiệu hàng hóa, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và mua bán khí trên thị trường đến Bộ Công Thương.
3. Điều kiện đối với thương nhân xuất nhập khẩu khí
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
– Có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 05 năm cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng;
– Có bồn chứa khí hoặc hợp đồng thuê bồn chứa khí đáp ứng các quy định về an toàn;
– Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật (Điều 6 Nghị định 87/2018/NĐ-CP, khoản 1 Điều 15 Nghị định 17/2020/NĐ-CP).
Lưu ý:
Đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu kinh doanh khí qua đường ống ngoài đáp ứng các điều kiện trên còn phải có trạm cấp khí đáp ứng các điều kiện về an toàn theo quy định tại Chương IV Nghị định 87/2018/NĐ-CP, cụ thể:
– Khoảng cách từ bồn chứa khí tới bồn chứa chất lỏng dễ cháy khác có điểm bắt cháy dưới 65°C không được nhỏ hơn 07 m.
– Quy định đối với khu vực tiếp nhận khí từ xe bồn:
+ Tại lối vào dành cho xe bồn, phải có biển báo hạn chế tốc độ;
+ Khu vực tiếp nhận xe bồn phải có ký hiệu đánh dấu rõ ràng, phải có biển báo hiệu vị trí tiếp nhận xe bồn và không cho người không có nhiệm vụ qua lại khi nhập khí vào bồn chứa;
+ Đầu xe bồn khi nhập khí phải hướng ra đường chính hoặc đường thoát hiểm và không bị cản trở khi sơ tán khẩn cấp.
– Phải đảm bảo cho xe chữa cháy ra, vào trạm trong trường hợp cần thiết.
– Các thiết bị đặt trong khu vực có nguy cơ bị hư hại phải được bảo vệ bằng các biện pháp an toàn như rào chắn, cột sắt, cột bê tông và có biển cảnh báo. Các thiết bị an toàn này phải không làm ảnh hưởng tới độ thông thoáng của khu vực tồn chứa khí (Điều 52 Nghị định 87/2018/NĐ-CP).
4. Cấp điều chỉnh, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG
– Giấy chứng nhận được điều chỉnh trong trường hợp:
+ Thay đổi về đăng ký kinh doanh;
+ Thay đổi địa điểm trụ sở chính;
+ Thay đổi thông tin liên quan đến thương nhân đăng ký.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận không thay đổi.
+ Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận không thay đổi.
– Giấy chứng nhận được cấp lại trong trường hợp:
+ Bị mất;
+ Sai sót;
+ Bị hư hỏng.
Nội dung, thời hạn Giấy chứng nhận cấp lại không thay đổi. Giấy chứng nhận cấp lại phải có quy định hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận bị mất, sai sót, hư hỏng.
Trên cơ sở kiểm tra hồ sơ cấp Giấy chứng nhận được lưu, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận (Điều 45 Nghị định 87/2018/NĐ-CP).
5. Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ tại Điểm a khoản 2, điểm d khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 49 Nghị định 67/2017/NĐ-CP, đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu LNG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG đã bị tước, bị thu hồi thì sẽ bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng;
Ngoài ra, chủ thể có hành vi vi phạm còn bị áp dụng kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu LNG từ 01 tháng đến 03 tháng và biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa là LNG.
Kết luận: Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG cần lưu ý các quy định tại Nghị định 67/2017/NĐ-CP, Nghị định 87/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương thân xuất khẩu, nhập khẩu LNG
Cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương thân xuất khẩu, nhập khẩu LNG
Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương thân xuất khẩu, nhập khẩu LNG