11. Công nhận giống cây trồng lâm nghiệp

Posted on

Công nhận giống cây trồng lâm nghiệp. Giống cây trồng lâm nghiệp để được công nhận cần tuân theo những điều kiện, tiêu chuẩn luật định. Dữ Liệu Pháp Lý đã tổng hợp các quy định về vấn đề này dựa trên các căn cứ pháp lý: Nghị định 31/2016/NĐ-CP, Nghị định 83/2020/NĐ-CP, Thông tư 207/2016/TT-BTC, Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 14/2018/TT-BTC.

1. Tiêu chí công nhận giống cây trồng lâm nghiệp

Để được công nhận giống cây trồng lâm nghiệp thì phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 6 Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT như sau:

– Giống đã qua khảo nghiệm hoặc trồng sản xuất thử nghiệm.

– Kết quả khảo nghiệm đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia về giống được công nhận hoặc kết quả trồng sản xuất thử nghiệm có năng suất, chất lượng tương đương trở lên so với giống cùng loài hoặc nhóm loài đã công nhận được trồng cùng vùng sinh thái.

– Được Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị công nhận.

2. Khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp (Điều 7 Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT)

Khảo nghiệm giống là quá trình theo dõi, đánh giá trong điều kiện và thời gian nhất định nhằm xác định năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh hại và điều kiện bất lợi của giống. (khoản 13 Điều 3 Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT)

Đối tượng khảo nghiệm: giống cây trồng lâm nghiệp chọn tạo trong nước; giống cây trồng lâm nghiệp chưa được công nhận, nhập khẩu lần đầu.

Hình thức khảo nghiệm: khảo nghiệm loài, khảo nghiệm xuất xứ, khảo nghiệm hậu thế, khảo nghiệm dòng vô tính.

Nội dung khảo nghiệm bao gồm: khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng (khảo nghiệm VCU) để đánh giá năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và điều kiện bất lợi theo các tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm.

3. Trồng sản xuất thử nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp (Điều 8 Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT)

Trồng sản xuất thử nghiệm là việc trồng thử trên một đơn vị diện tích và thời gian nhất định để đánh giá năng suất, chất lượng của giống trồng sản xuất thử nghiệm so với giống đối chứng (khoản 14 Điều 3 Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT)

Đối tượng trồng sản xuất thử nghiệm: giống cây bản địa, giống cây trồng lâm nghiệp chưa được công nhận, nhập khẩu lần đầu có năng suất, chất lượng cao tại nước xuất khẩu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phù hợp với điều kiện sinh thái nơi trồng sản xuất thử nghiệm.

Diện tích trồng sản xuất thử nghiệm từ 02 ha đến 05 ha.

Thời gian đánh giá kết quả sản xuất thử nghiệm: cây sinh trưởng nhanh là 03 năm; cây sinh trưởng chậm là 06 năm; cây lâm sản ngoài gỗ có sản phẩm được thu hoạch trong 02 vụ kế tiếp.

4. Hủy bỏ quyết định công nhận giống cây trồng lâm nghiệp

Quyết định công nhận giống cây trồng lâm nghiệp bị hủy bỏ trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT, bao gồm:

– Giống bị thoái hóa, suy giảm về năng suất, chất lượng so với tiêu chuẩn quốc gia về giống được công nhận;

– Giống không đáp ứng nhu cầu và mục đích trồng rừng.

Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức đánh giá và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hủy bỏ quyết định công nhận giống cây lâm nghiệp; thông báo cho chủ sở hữu giống và các cơ quan liên quan. (khoản 2 Điều 10 Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT)

5. Xử lý vi phạm

Việc xử lý các hành vi vi phạm quy định về sử dụng giống cây trồng mới đang trong quá trình khảo nghiệm, sản xuất thử được quy định tại Điều 10 Nghị định 31/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm đưa giống cây trồng ra khảo nghiệm sản xuất vượt từ 30% trở lên so với diện tích được phép theo quy định đối với từng loại giống cây trồng.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây khi sản xuất thử giống cây trồng:

+ Không có quy trình kỹ thuật trồng trọt của giống sản xuất thử kèm theo cho người sản xuất;

+ Không có hợp đồng hoặc danh sách ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất thử, thời gian, số lượng giống được chuyển giao;

+ Không có sổ theo dõi, đánh giá giống trong quá trình sản xuất thử.

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Sản xuất thử giống cây trồng không đúng vùng sinh thái được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

+ Đưa giống cây trồng ra sản xuất thử vượt đến dưới 30% so với diện tích được phép đối với từng loại giống cây trồng.

– Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đưa giống cây trồng ra sản xuất thử vượt từ 30% đến dưới 70% so với diện tích được phép đối với từng loại giống cây trồng.

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa giống cây trồng ra sản xuất thử vượt từ 70% trở lên so với diện tích được phép đối với từng loại giống cây trồng.

Kết luận: Việc công nhận giống cây trồng lâm nghiệp tuân theo những điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau: Nghị định 31/2016/NĐ-CP, Nghị định 83/2020/NĐ-CP, Thông tư 207/2016/TT-BTC, Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 14/2018/TT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Công nhận giống cây trồng lâm nghiệp