10. Cấp, cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương
Đơn vị hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương cần có giấy phép hoạt động thông qua việc thực hiện thủ tục cấp/cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị định 137/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Thông tư 21/2020/TT-BCT.
1. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện
a. Quyền
– Xây dựng và trình duyệt phí phân phối điện;
– Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để thao tác, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế mới trang thiết bị điện của đơn vị phân phối điện;
– Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phân phối điện;
– Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ hoạt động phân phối điện;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ
– Bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị phân phối điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy;
– Bảo đảm cung cấp dịch vụ phân phối điện cho khách hàng sử dụng điện, đơn vị bán lẻ điện, đơn vị bán buôn điện đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn theo hợp đồng, trừ trường hợp lưới điện phân phối bị quá tải theo xác nhận của cơ quan điều tiết điện lực;
– Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thoả thuận khác bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật với bên mua điện;
– Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về quản lý nhu cầu sử dụng điện;
– Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;
– Báo cáo về khả năng sẵn sàng vận hành, mức dự phòng của lưới điện và trang thiết bị phân phối điện, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn hoạt động của mình theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Xử lý sự cố;
– Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc giảm mức phân phối điện nếu không có giải pháp khác;
– Khôi phục việc cấp điện chậm nhất là 2 giờ kể từ khi phát hiện sự cố hoặc nhận được thông báo của bên mua điện; trường hợp không thực hiện được trong thời hạn trên thì phải thông báo ngay cho bên mua điện về nguyên nhân và dự kiến thời gian cấp điện trở lại;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 41 Luật Điện lực 2004, khoản 2, 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện lực).
Lưu ý:
– Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù công suất phản kháng trong phạm vi quản lý của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 2 Điều 5 Nghị định 137/2013/NĐ-CP).
– Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tạo, nâng cấp các đường dây, trạm biến áp phân phối điện hiện có để đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương hoặc cao hơn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam (khoản 2 Điều 6 Nghị định này).
2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phân phối điện
Theo Điều 31 Nghị định 137/2013/NĐ-CP; điểm a khoản 4 Điều 6, khoản 4 Điều 7 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, khoản 2 Điều 3 Nghị định 17/2020/NĐ-CP: Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật đăng ký hoạt động phân phối điện phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Có trang thiết bị công nghệ, công trình đường dây và trạm biến áp được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế kỹ thuật được duyệt; được kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định.
– Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối điện ít nhất 03 năm. Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành điện hoặc có giấy chứng nhận đào tạo về điện do cơ sở dạy nghề cấp, được kiểm tra quy trình vận hành và quy định an toàn theo quy định pháp luật.
3. Lưu ý
Theo Điều 9 Nghị định 134/2013/NĐ-CP:
– Đơn vị phân phối điện bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không hoàn thành kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế thiết bị đo đếm điện hoặc có giải pháp thay thế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của bên mua điện;
+ Không tiến hành xử lý sự cố trong thời hạn 02 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của bên mua điện về sự cố lưới điện do bên bán điện quản lý để khôi phục việc cấp điện, mà không có lý do chính đáng;
+ Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không đúng nội dung đã thông báo;
+ Sử dụng các thiết bị đo, đếm điện năng không được kiểm định theo quy định hoặc đã được kiểm định nhưng không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho thiết bị đo đếm điện năng đối với lưới phân phối điện;
+ Sử dụng thiết bị đo đếm điện không phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), không được cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức được chỉ định về đo lường kiểm định và niêm phong.
– Đơn vị phân phối điện bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện mà không thông báo theo quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện;
+ Tự ý sử dụng công trình điện không thuộc quyền quản lý của mình để cấp điện cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác;
+ Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng thuộc diện ưu tiên khi thiếu điện, trừ trường hợp có nguy cơ gây sự cố nghiêm trọng mất an toàn cho người, thiết bị, hệ thống điện.
– Đơn vị phân phối điện bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không báo cáo về khả năng sẵn sàng vận hành, mức dự phòng của lưới điện và trang thiết bị phân phối điện, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn hoạt động của mình theo yêu cầu của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, Cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Cung cấp thông tin không chính xác gây ảnh hưởng đến an toàn, thiệt hại đối với hoạt động phân phối điện;
+ Không cung cấp dịch vụ phân phối điện cho khách hàng sử dụng điện, Đơn vị bán lẻ điện, Đơn vị bán buôn điện đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn theo hợp đồng, trừ trường hợp lưới phân phối điện bị quá tải có xác nhận của Cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan được ủy quyền.
– Đơn vị phân phối điện bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi ngừng cung cấp điện vì sự cố kỹ thuật do vi phạm quy trình vận hành hoặc do thiết bị không được thí nghiệm, kiểm định theo quy định.
– Đơn vị phân phối điện bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cho phép đấu nối vào lưới phân phối điện các thiết bị không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
– Ngoài ra, đơn vị phân phối điện còn bị buộc sử dụng các thiết bị đo đếm điện đã được kiểm định và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bị buộc phải bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại đối với hành vi:
+ Sử dụng các thiết bị đo, đếm điện năng không được kiểm định theo quy định hoặc đã được kiểm định nhưng không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho thiết bị đo đếm điện năng đối với lưới phân phối điện;
+ Sử dụng thiết bị đo đếm điện không phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), không được cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức được chỉ định về đo lường kiểm định và niêm phong.
Kết luận: Đơn vị phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương cần lưu ý các quy định tại Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị định 134/2013/NĐ-CP, Nghị định 137/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy phép hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương
Cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương