2. Cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động phát điện

Posted on

Đơn vị hoạt động phát điện cần được cơ quan có thẩm quyền cấp/sửa đổi/bổ sung Giấy phép hoạt động phát điện. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị định 134/2013/NĐ-CP, Nghị định 137/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Thông tư 21/2020/TT-BCT như sau:

1. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện

Theo Điều 39 Luật Điện lực 2004; khoản 17 Điều 1, khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện lực:

– Đơn vị phát điện có các quyền sau đây:

+ Hoạt động phát điện và các hoạt động khác theo giấy phép hoạt động điện lực;

+ Đấu nối vào hệ thống điện quốc gia khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật;

+ Bán điện cho bên mua điện theo hợp đồng có thời hạn và chào giá bán điện giao ngay trên thị trường điện lực;

+ Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát điện;

+ Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ hoạt động phát điện;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

– Đơn vị phát điện có các nghĩa vụ sau đây:

+ Tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về vận hành nhà máy điện, lưới điện; đối với nhà máy thủy điện còn phải tuân thủ quy định về an toàn đập thủy điện và vận hành hồ chứa nước;

+ Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;

+ Xử lý sự cố;

+ Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc giảm mức phát điện nếu không có giải pháp khác;

+ Tuân thủ các quy định về thị trường điện lực của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Báo cáo về khả năng sẵn sàng phát điện, mức dự phòng công suất, tình hình thực hiện phương thức vận hành của nhà máy điện theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động phát điện;

+ Thông báo ngay cho đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về phát điện;

+ Đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện, bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phát điện

Theo Điều 29 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, khoản 2 Điều 6 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, khoản 1 Điều 4 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật đăng ký hoạt động phát điện phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được duyệt. Các hạng Mục công trình nhà máy điện được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, được kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định;

– Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện hoặc kỹ thuật phù hợp và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phát điện ít nhất 05 năm; Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành phù hợp, được đào tạo về an toàn, được đào tạo và cấp chứng chỉ vận hành nhà máy điện, thị trường điện theo quy định;

– Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu phù hợp với yêu cầu của hệ thống điện và thị trường điện lực theo quy định của pháp luật;

– Có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án phát điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận, phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

– Có quy trình vận hành hồ chứa đối với nhà máy thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

– Các tài liệu pháp lý về an toàn đập thủy điện đối với nhà máy thủy điện theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

Giấy phép hoạt động điện lực được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau đây:

– Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khi có sự thay đổi một trong các nội dung quy định trong giấy phép hoạt động điện lực;

– Trường hợp cần bảo vệ lợi ích kinh tế – xã hội và lợi ích công cộng, cơ quan cấp giấy phép có quyền sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực về truyền tải điện, phân phối điện. Việc sửa đổi hoặc bổ sung đó phải phù hợp với khả năng của đơn vị được cấp giấy phép;

– Trường hợp có sai sót về các nội dung ghi trong Giấy phép đã cấp, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm sửa đổi Giấy phép đã cấp (khoản 19 Điều 3 Nghị định 17/2020/NĐ-CP).

Hoạt động phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khácl phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực (Điều 3 Thông tư 21/2020/TT-BCT).

3. Lưu ý chung

Các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động phát điện bị xử lý như sau (Điều 7 Nghị định 134/2013/NĐ-CP):

– Hành vi không cung cấp các thông tin về khả năng sẵn sàng phát điện, mức dự phòng công suất, tình hình thực hiện phương thức vận hành của nhà máy điện và các thông tin có liên quan đến hoạt động phát điện khi có yêu cầu bằng văn bản của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực hoặc Cơ quan điều tiết điện lực bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Hành vi sử dụng các thiết bị đo đếm điện năng chưa được kiểm định theo quy định hoặc không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho thiết bị đo đếm điện năng đối với các nhà máy điện bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, bị buộc sử dụng các thiết bị đã được kiểm định và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

– Hành vi không tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về đấu nối và vận hành nhà máy điện, lưới điện; Cung cấp thông tin không chính xác về mức độ sẵn sàng của tổ máy và nhà máy gây thiệt hại đến hoạt động phát điện bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

– Đơn vị phát điện có tổng công suất đặt các nhà máy điện lớn hơn 25% tổng công suất đặt của các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30 MW trong hệ thống điện bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị buộc chia tách để giảm tổng công suất đặt nhỏ hơn 25% tổng công suất đặt của các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30 MW trong hệ thống điện.

Kết luận: Việc thực hiện thủ tục Cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động phát điện cần xem xét các quy định tại Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị định 134/2013/NĐ-CP, Nghị định 137/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Thông tư 21/2020/TT-BCT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động phát điện