3. Cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động truyền tải điện, phân phối điện
Đối với những trường hợp cần cấp mới, thay đổi thông tin về giấy phép hoạt động truyền tải điện, phân phối điện cần thực hiện thủ tục Cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động truyền tải điện, phân phối điện. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể này theo Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị định 134/2013/NĐ-CP, Nghị định 137/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
1. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện
a. Quyền
– Hoạt động truyền tải điện theo giấy phép hoạt động điện lực;
– Xây dựng và trình duyệt giá truyền tải điện;
– Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động truyền tải điện;
– Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ hoạt động truyền tải điện;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ
– Bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị truyền tải điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy;
– Bảo đảm cung cấp dịch vụ truyền tải và các dịch vụ phụ trợ cho các bên có liên quan, trừ trường hợp lưới điện bị quá tải theo xác nhận của cơ quan điều tiết điện lực;
– Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;
– Xử lý sự cố;
– Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc yêu cầu đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia giảm mức truyền tải điện nếu không có giải pháp khác;
– Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện truyền tải và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đáp ứng nhu cầu truyền tải điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư thiết bị đo đếm điện và các thiết bị phụ trợ, trừ trường hợp có thoả thuận khác (bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật) với đơn vị phát điện, đơn vị phân phối điện hoặc khách hàng sử dụng điện;
– Báo cáo về khả năng sẵn sàng truyền tải, độ dự phòng của trang thiết bị truyền tải điện theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Thông báo ngay cho đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về lưới điện truyền tải;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 40 Luật Điện lực 2004, điểm c, d khoản 1; khoản 4 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện lực).
2. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện
a. Quyền
– Hoạt động phân phối điện và các hoạt động khác theo giấy phép hoạt động điện lực;
– Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để thao tác, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế mới trang thiết bị điện của đơn vị phân phối điện;
– Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phân phối điện;
– Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ hoạt động phân phối điện;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ
– Bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị phân phối điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy;
– Bảo đảm cung cấp dịch vụ phân phối điện cho khách hàng sử dụng điện, đơn vị bán lẻ điện, đơn vị bán buôn điện đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn theo hợp đồng, trừ trường hợp lưới điện phân phối bị quá tải theo xác nhận của cơ quan điều tiết điện lực;
– Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thoả thuận khác (bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật) với bên mua điện;
– Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về quản lý nhu cầu sử dụng điện;
– Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;
– Báo cáo về khả năng sẵn sàng vận hành, mức dự phòng của lưới điện và trang thiết bị phân phối điện, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn hoạt động của mình theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Xử lý sự cố;
– Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc giảm mức phân phối điện nếu không có giải pháp khác;
– Khôi phục việc cấp điện chậm nhất là 2 giờ kể từ khi phát hiện sự cố hoặc nhận được thông báo của bên mua điện; trường hợp không thực hiện được trong thời hạn trên thì phải thông báo ngay cho bên mua điện về nguyên nhân và dự kiến thời gian cấp điện trở lại;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 40 Luật Điện lực 2004, khoản 4 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện lực).
3. Lưu ý
– Các hành vi vi phạm về truyền tải điện bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 8 Nghị định 134/2013/NĐ-CP.
– Các hành vi vi phạm về phân phối điện bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 9 Nghị định 134/2013/NĐ-CP.
Kết luận: Đơn vị truyền tải, phân phối điện thực hiện thủ tục Cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động truyền tải điện, phân phối điện cần lưu ý quy định tại Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị định 134/2013/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động truyền tải điện, phân phối điện