7. Huấn luyện và cấp mới, cấp lại, cấp sửa đổi, bổ sung thẻ an toàn diện

Posted on

Cá nhân hoạt động điện lực cần được cấp Thẻ an toàn điện thông qua việc thực hiện thủ tục Huấn luyện và cấp mới/cấp lại/cấp sửa đổi, bổ sung Thẻ an toàn điện. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội này theo Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị định 14/2014/NĐ-CP, Thông tư 05/2021/TT-BCT.

1. Khái quát chung

– Người làm công việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây dẫn điện hoặc thiết bị điện ở doanh nghiệp, bao gồm cả treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng; điều độ viên; Người làm công việc vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo là các đối tượng được huấn luyện an toàn, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện (Điều 4 Thông tư 05/2021/TT-BCT).

– Thẻ an toàn điện được cấp mới cho người lao động được huấn luyện lần đầu và kiểm tra đạt yêu cầu hoặc khi người lao động chuyển đổi công việc; Cấp lại khi người lao động làm mất, làm hỏng thẻ; Cấp sửa đổi, bổ sung khi thay đổi bậc an toàn của người lao động (khoản 1 Điều 10 Thông tư 05/2021/TT-BCT).

Lưu ý:

– Thẻ an toàn điện có thời hạn sử dụng từ khi được cấp tới khi thu hồi.

– Trong suốt quá trình làm việc, người lao động phải mang theo và xuất trình Thẻ an toàn điện theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc của các đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn điện (khoản 2 Điều Điều 9 Thông tư này).

– Thẻ an toàn điện bị thu hồi khi người lao động chuyển làm công việc khác hoặc không tiếp tục làm việc tại tổ chức, đơn vị cũ (khoản 3 Điều Điều 9 Thông tư này)

2. Nội dung huấn luyện an toàn điện

a. Nội dung huấn luyện phần lý thuyết

a.1. Nội dung huấn luyện chung

– Sơ đồ hệ thống điện, các yêu cầu bảo đảm an toàn cho hệ thống điện.

– Biện pháp tổ chức để bảo đảm an toàn khi tiến hành công việc: Khảo sát, lập biên bản hiện trường (nếu cần); lập kế hoạch; đăng ký công tác; tổ chức đơn vị công tác; làm việc theo Phiếu công tác hoặc Lệnh công tác; thủ tục cho phép làm việc; giám sát an toàn trong thời gian làm việc; thủ tục kết thúc công việc và đóng điện trở lại.

– Biện pháp kỹ thuật chuẩn bị nơi làm việc an toàn: cắt điện và ngăn chặn có điện trở lại nơi làm việc; kiểm tra không còn điện; tiếp đất; lập rào chắn, treo biển cấm, biển báo; thiết lập vùng làm việc an toàn.

– Cách nhận biết và biện pháp loại trừ nguy cơ gây sự cố, tai nạn tại nơi làm việc và phương pháp tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, sơ cứu người bị tai nạn điện.

– Tính năng, tác dụng, cách sử dụng, cách bảo quản, quy định về kiểm tra (thí nghiệm) các trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc phù hợp với công việc của người lao động.

a.2. Nội dung huấn luyện cho người làm từng công việc cụ thể

* Cho người làm công việc vận hành đường dây dẫn điện, thiết bị điện:

– Đối với đường dây dẫn điện:

+ Quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố đường dây dẫn điện;

+ An toàn khi: Kiểm tra đường dây dẫn điện; làm việc trên đường dây dẫn điện đã cắt điện hoặc đang mang điện; chặt, tỉa cây trong và gần hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện; làm việc trên cao.

– Đối với thiết bị điện:

+ Quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố, quy định an toàn cho thiết bị điện, trạm điện;

+ An toàn khi: Kiểm tra thiết bị điện; đưa thiết bị điện vào hoặc ngừng vận hành; làm việc với các thiết bị điện, hệ thống điện một chiều;

+ Phòng cháy, chữa cháy cho thiết bị điện, trạm điện.

* Cho người làm công việc xây lắp điện:

– An toàn khi đào, đổ móng cột; đào mương cáp ngầm;

– An toàn khi lắp, dựng cột;

– An toàn khi rải, căng dây dẫn, dây chống sét;

– An toàn khi lắp đặt thiết bị điện.

* Cho người làm công việc thí nghiệm điện:

– Quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố, quy định an toàn cho các thiết bị của trạm thử nghiệm, phòng thí nghiệm; biện pháp tổ chức đảm bảo an toàn khi thử nghiệm;

– An toàn điện khi tiến hành các loại thử nghiệm riêng biệt như thử nghiệm máy điện, máy biến điện áp, biến dòng điện; cách điện của cáp điện.

* Cho người làm công việc sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện:

–  Đối với đường dây dẫn điện: An toàn khi sửa chữa trên đường dây dẫn điện đã cắt điện hoặc đang mang điện đi độc lập hoặc trong vùng ảnh hưởng của đường dây khác đang vận hành;

– Đối với thiết bị điện: An toàn khi làm việc với từng loại thiết bị điện như máy biến áp, máy cắt, máy phát điện, động cơ điện cao áp, tụ điện, hệ thống điện một chiều.

* Cho người làm công việc treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng tại vị trí lắp đặt

An toàn khi treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng tại vị trí lắp đặt khi có điện hoặc không có điện (Điều 5 Thông tư 05/2021/TT-BCT).

b. Nội dung huấn luyện phần thực hành

– Cách sử dụng, bảo quản, kiểm tra, thí nghiệm các trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc phù hợp với công việc của người lao động.

– Phương pháp tách người bị điện giật ra khỏi nguồn điện và sơ cứu người bị tai nạn điện.

– Những nội dung thao tác liên quan đến việc bảo đảm an toàn phù hợp với công việc của người lao động (Điều 6 Thông tư 05/2021/TT-BCT).

3. Tổ chức huấn luyện an toàn điện

– Đối với người lao động là người làm công việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây dẫn điện hoặc thiết bị điện ở doanh nghiệp, bao gồm cả treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng; điều độ viên, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

+ Xây dựng tài liệu và quy định thời gian huấn luyện phù hợp với bậc an toàn và vị trí công việc của người lao động;

+ Lựa chọn người huấn luyện theo quy định tại Khoản 3 Điều này;

+ Tổ chức huấn luyện, kiểm tra, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện cho người lao động sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả kiểm tra phần lý thuyết hoặc phần thực hành không đạt yêu cầu thì phải huấn luyện lại phần chưa đạt;

+ Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện tại đơn vị.

– Đối với người lao động là người làm công việc vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, Sở Công Thương có trách nhiệm:

+ Xây dựng tài liệu và quy định thời gian huấn luyện phù hợp với bậc an toàn và vị trí công việc của người vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo;

+ Lựa chọn người huấn luyện theo quy định tại Khoản 3 Điều này;

+ Tổ chức huấn luyện, kiểm tra, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện cho người lao động sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả kiểm tra phần lý thuyết hoặc phần thực hành không đạt yêu cầu, phải huấn luyện lại phần chưa đạt theo đề nghị của người sử dụng lao động (khoản 1, khoản 2 Điều 7 Thông tư 05/2021/TT-BCT).

Lưu ý:

– Người huấn luyện phần lý thuyết phải có trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm công tác trong chuyên ngành đó.

– Người huấn luyện phần thực hành có trình độ cao đẳng trở lên, thông thạo và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với chuyên ngành huấn luyện.

– Hình thức và thời gian huấn luyện

+ Huấn luyện lần đầu: Thực hiện khi người lao động mới được tuyển dụng. Thời gian huấn luyện lần đầu ít nhất 24 giờ.

+ Huấn luyện định kỳ: Thực hiện hàng năm. Thời gian huấn luyện định kỳ ít nhất 08 giờ.

+ Huấn luyện lại: Khi người lao động chuyển đổi vị trí công việc hoặc thay đổi bậc an toàn hoặc có sự thay đổi thiết bị, công nghệ; khi kết quả kiểm tra của người lao động không đạt yêu cầu hoặc khi người lao động đã nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên. Thời gian huấn luyện lại ít nhất 12 giờ.

– Tùy điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động có thể tổ chức huấn luyện riêng về an toàn điện theo nội dung quy định tại Thông tư này hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy hoặc huấn luyện khác được pháp luật quy định.

– Chi phí tổ chức huấn luyện, cấp thẻ do người sử dụng lao động chi trả (theo các khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 7 Thông tư 05/2021/TT-BCT).

– Hành vi sử dụng người chưa được đào tạo chuyên môn về điện hoặc chưa được huấn luyện về an toàn điện, chưa được cấp thẻ an toàn điện để làm những công việc quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện, nhà máy điện bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (điểm h khoản 4 Điều 15 Thông tư 05/2021/TT-BCT).

Kết luận: Người lao động được huấn luyện và cấp mới/cấp lại/cấp sửa đổi, bổ sung thẻ an toàn điện cần lưu ý các quy định tại Thông tư 05/2021/TT-BCT, Nghị định 134/2013/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Huấn luyện và cấp mới Thẻ an toàn điện

Huấn luyện và cấp lại Thẻ an toàn điện

Huấn luyện và cấp sửa đổi, bổ sung Thẻ an toàn điện