8. Cấp, cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03MW đặt tại địa phương

Posted on

Nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03MW cần có giấy phép hoat động phát điện thông qua việc thực hiện thủ tục Cấp/cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03MW đặt tại địa phương. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị định 134/2013/NĐ-CP, Nghị định 137/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Thông tư 36/2018/TT-BCT.

1. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện

– Quyền:

+ Hoạt động phát điện và các hoạt động khác theo giấy phép hoạt động điện lực;

+ Đấu nối vào hệ thống điện quốc gia khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật;

+ Bán điện cho bên mua điện theo hợp đồng có thời hạn và chào giá bán điện giao ngay trên thị trường điện lực;

+ Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát điện;

+ Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ hoạt động phát điện;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

– Nghĩa vụ:

+ Tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về vận hành nhà máy điện, lưới điện; đối với nhà máy thủy điện còn phải tuân thủ quy định về an toàn đập thủy điện và vận hành hồ chứa nước;

+ Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;

+ Xử lý sự cố;

+ Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc giảm mức phát điện nếu không có giải pháp khác;

+ Tuân thủ các quy định về thị trường điện lực của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Báo cáo về khả năng sẵn sàng phát điện, mức dự phòng công suất, tình hình thực hiện phương thức vận hành của nhà máy điện theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động phát điện;

+ Thông báo ngay cho đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về phát điện;

+ Đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thoả thuận khác (bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật) với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 39 Luật Điện lực 2004, khoản 17 Điều 1; điểm d khoản 1, khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012).

Lưu ý:

Đơn vị phát điện có trách nhiệm lựa chọn công nghệ phát điện tiên tiến, có hiệu suất cao và thực hiện phương thức vận hành tối ưu thiết bị phát điện để tiết kiệm nhiên liệu và các nguồn năng lượng dùng phát điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Hệ thống điện tự dùng trong nhà máy phát điện phải được thiết kế, lắp đặt hợp lý và phải bố trí sử dụng trong quá trình vận hành phù hợp với yêu cầu tiết kiệm điện tự dùng (Điều 14 Luật Điện lực 2004).

2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phát điện

Theo Điều 29 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, khoản 2 Điều 6 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, khoản 1 Điều 4 Nghị định 17/2020/NĐ-CP: Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật đăng ký hoạt động phát điện phải đáp ứng các điều kiện sau:

Có dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được duyệt. Các hạng Mục công trình nhà máy điện được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, được kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định.

Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện hoặc kỹ thuật phù hợp và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phát điện ít nhất 05 năm. Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành phù hợp, được đào tạo về an toàn, được đào tạo và cấp chứng chỉ vận hành nhà máy điện, thị trường điện theo quy định.

– Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu phù hợp với yêu cầu của hệ thống điện và thị trường điện lực theo quy định của pháp luật.

– Phát điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận, phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

– Có quy trình vận hành hồ chứa đối với nhà máy thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

– Các tài liệu pháp lý về an toàn đập thủy điện đối với nhà máy thủy điện theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

Giấy phép phát điện được cấp cho tổ chức là đơn vị sở hữu nhà máy điện đối với từng nhà máy. Trong trường hợp đơn vị sở hữu cho thuê khoán nhà máy điện, thuê quản lý vận hành hoặc giao quản lý vận hành, giấy phép hoạt động điện lực phải ghi rõ đơn vị nhận thuê khoán hoặc đơn vị quản lý vận hành.

– Đối với đơn vị phát điện đăng ký hoạt động bán lẻ điện, không mua điện từ hệ thống điện quốc gia và có lưới điện để thực hiện hoạt động bán lẻ điện: Giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phát điện (khoản 2, 3 Điều 4 Thông tư 36/2018/TT-BCT).

– Trước ngày vận hành thương mại các đơn vị phát điện có trách nhiệm hoàn thành:

+ Ký kết Hợp đồng mua bán điện theo quy định (trừ các nhà máy thủy điện thuộc Danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Danh mục các nhà máy điện phối hợp vận hành với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh do Bộ Công Thương phê duyệt; các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty Điện lực theo Văn bản đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam);

+ Hệ thống SCADA phục vụ vận hành hệ thống điện theo quy định;

+ Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông phục vụ vận hành thị trường điện (đối với các nhà máy tham gia thị trường điện);

+ Các nội dung quy định khác về quản lý, vận hành nhà máy điện tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (khoản 7 Điều 15 Luật Điện lực 2004).

– Trong thời hạn 12 tháng tính từ ngày được cấp giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, đơn vị được cấp giấy phép có trách nhiệm nộp bổ sung các nội dung sau:

+ Bản sao Văn bản nghiệm thu về hệ thống phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền;

+ Bản sao biên bản nghiệm thu kết nối tín hiệu hệ thống SCADA phục vụ vận hành hệ thống và thị trường điện theo quy định;

+ Bản sao biên bản nghiệm thu đưa vào vận hành hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông phục vụ vận hành thị trường điện theo quy định;

+ Bản sao các quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đối với các phương án về quản lý an toàn đập và bản báo cáo kiểm định an toàn đập theo quy định (đối với nhà máy thủy điện) (khoản 8 Điều 15 Luật Điện lực 2004).

Lưu ý chung:

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 134/2013/NĐ-CP:

– Đơn vị phát điện có hành vi không cung cấp các thông tin về khả năng sẵn sàng phát điện, mức dự phòng công suất, tình hình thực hiện phương thức vận hành của nhà máy điện và các thông tin có liên quan đến hoạt động phát điện khi có yêu cầu bằng văn bản của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực hoặc Cơ quan điều tiết điện lực bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Hành vi sử dụng các thiết bị đo đếm điện năng chưa được kiểm định theo quy định hoặc không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho thiết bị đo đếm điện năng đối với các nhà máy điện bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; bị buộc sử dụng các thiết bị đã được kiểm định và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

– Hành vi Không tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về đấu nối và vận hành nhà máy điện, lưới điện; Cung cấp thông tin không chính xác về mức độ sẵn sàng của tổ máy và nhà máy gây thiệt hại đến hoạt động phát điện bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Kết luận: Nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03MW đặt tại địa phương khi hoạt động cần lưu ý quy định của Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị định 134/2013/NĐ-CP, Nghị định 137/2013/NĐ-CP, Thông tư 36/2018/TT-BCT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy phép hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03MW đặt tại địa phương

Cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03MW đặt tại địa phương