13. Điều chỉnh, gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài

Posted on

Cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài là một thủ tục quan trọng được rất nhiêu doanh nghiệp lữ hành quan tâm. Sau đây, Dữ liệu pháp lý có một số lưu ý về vấn đề này dựa trên quy định Luật du lịch 2017; Nghị định 07/2016/NĐ-CP; Thông tư 11/2016/TT-BCT; Nghị định 168/2017/NĐ-CP; Nghị định 94/2021/NĐ-CP.

1. Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài

Căn cứ quy định tại Điều 44 Luật du lịch 2017 thì:

1. Việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.

2. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

Lưu ý: Công văn 120/TCDL-LH thì việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài được thực hiện theo quy định của Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 11/2016/TT-BCT ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Bộ Công thương quy định biểu mẫu thực hiện Nghị định số 07/2016/NĐ-CP.

Cụ thể: áp dụng các quy định về điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Thời hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Hồ sơ cấp/điều chỉnh/cấp lại/gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Các trường hợp/Trình tự, thủ tục cấp/điều chỉnh/cấp lại/gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Gửi và lưu trữ Giấy phép; Công bố thông tin về Văn phòng đại diện; Lệ phí cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện; Chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.

2. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện

Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP thì:

Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;

2. Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;

3. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;

4. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

5. Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).

3. Quyền thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định:

1. Thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Một thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (Điều 5 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP)

1. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

2. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là Ban quản lý) thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện đặt trụ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

5. Các trường hợp cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh (Điều 18 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP)

Thương nhân nước ngoài làm thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh trong những trường hợp sau:

1. Chuyển địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện từ một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý đến một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác hoặc khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý khác.

2. Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới mọi hình thức.

6. Hồ sơ cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh (Điều 19 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP)

1. Trường hợp cấp lại theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định này, hồ sơ 01 bộ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;

b) Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện gửi Cơ quan cấp Giấy phép nơi chuyển đi theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 36 Nghị định này;

c) Bản sao Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đã được cấp;

d) Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện nơi chuyển đến theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

2. Trường hợp cấp lại theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định này, hồ sơ 01 bộ bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký.

7. Các trường hợp gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh (Điều 21 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP)

Thương nhân nước ngoài được gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh khi hết thời hạn quy định trong Giấy phép, trừ trường hợp có hành vi vi phạm thuộc các trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh theo quy định tại Điều 44 Nghị định này.

8. Hồ sơ gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh (Điều 22 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP)

1. Hồ sơ 01 bộ bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;

b) Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;

c) Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;

d) Bản sao Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh đã được cấp.

2. Tài liệu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này phải dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tài liệu quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định pháp luật Việt Nam.

Kết luận: Khi thực hiện thủ tục điều chỉnh, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài cần chú ý thực hiện đúng theo các quy định tại Luật du lịch 2017; Nghị định 07/2016/NĐ-CP; Thông tư 11/2016/TT-BCT; Nghị định 168/2017/NĐ-CP; Nghị định 94/2021/NĐ-CP.