19. Xác nhận Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích
Dựa trên những quy định tại Luật đa dạng sinh học 2008 và Nghị định 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về việc xác nhận hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
1. Khái niệm
Tiếp cận nguồn gen là hoạt động điều tra, thu thập nguồn gen để nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm thương mại. (Khoản 29 Điều 3 Luật đa dạng sinh học 2008)
2. Đối tượng được giao quản lí nguồn gen
Điều 55 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định các đối tượng như sau:
– Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn quản lý nguồn gen trong khu bảo tồn;
– Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen quản lý nguồn gen thuộc cơ sở của mình;
– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, sử dụng đất, rừng, mặt nước quản lý nguồn gen thuộc phạm vi được giao quản lý, sử dụng;
– Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nguồn gen trên địa bàn, trừ 3 trường hợp nêu trên.
3. Giấy phép tiếp cận nguồn gen:
Điều kiện để tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen được quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Đa dạng sinh học 2008 như sau:
– Đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Đã ký hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen;
– Việc tiếp cận nguồn gen không thuộc một trong các trường hợp không cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen
Lưu ý:
Các trường hợp không cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen tại khoản 1 Điều 59 Luật Đa dạng sinh học 2008 gồm có:
– Nguồn gen của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
– Việc sử dụng nguồn gen có nguy cơ gây hại đối với con người, môi trường, an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia.
4. Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích
4.1. Nội dung
Căn cứ khoản 2 Điều 58 Luật đa dạng sinh học 2008, hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phải gồm những nội dung sau:
– Mục đích tiếp cận nguồn gen;
– Nguồn gen được tiếp cận và khối lượng thu thập;
– Địa điểm tiếp cận nguồn gen
– Kế hoạch tiếp cận nguồn gen;
– Việc chuyển giao cho bên thứ ba kết quả điều tra, thu thập nguồn gen;
– Hoạt động nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại từ nguồn gen;
– Các bên tham gia nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại từ nguồn gen;
– Địa điểm tiến hành nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại từ nguồn gen;
– Chia sẻ lợi ích thu được với Nhà nước và các bên có liên quan, bao gồm cả việc phân chia quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận nguồn gen và bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen
Lưu ý: Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phải được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc tiếp cận nguồn gen và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen (khoản 4 Điều 58 Luật đa dạng sinh học 2008)
4.2. Thẩm quyền cấp
Căn cứ khoản 4 Điều 58 Luật Đa dạng sinh học 2008; khoản 1 và khoản 3 Điều 11 Nghị định 59/2017/NĐ-CP quy định về thẩm quyền và thời hạn xác nhận hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích như sau:
– Thẩm quyền: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nguồn gen ngoài tự nhiên hoặc nơi đăng ký trụ sở của Bên cung cấp
– Thời hạn: không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Kết luận: Khi tiến hành xác nhận hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật đa dạng sinh học 2008 và Nghị định 59/2017/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Xác nhận Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích