24. Đăng ký tiếp cận nguồn gen

Posted on

Tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký tiếp cận nguồn gen với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật đa dạng sinh học 2008, Nghị định 59/2017/NĐ-CP.

1. Khái niệm:

Gen là một đơn vị di truyền, một đoạn của vật chất di truyền quy định các đặc tính cụ thể của sinh vật. (khoản 7 Điều 3 Luật đa dạng sinh học 2008)

Tiếp cận nguồn gen là hoạt động điều tra, thu thập nguồn gen để nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm thương mại. (theo khoản 29 Điều 3 Luật đa dạng sinh học 2008)

2. Nguyên tắc trong quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (Điều 4 Nghị định 59/2017/NĐ-CP)

– Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với toàn bộ nguồn gen trên lãnh thổ quốc gia.

– Bên tiếp cận là tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được thực hiện hoạt động tiếp cận nguồn gen khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển nguồn gen.

– Việc chia sẻ lợi ích từ sử dụng nguồn gen phải đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các bên có liên quan và góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên sinh học, thúc đẩy các quá trình nghiên cứu khoa học và thương mại hóa nguồn gen, chú trọng đến vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền.

3. Đăng ký tiếp cận nguồn gen: (Điều 9 Nghị định 59/2017/NĐ-CP)

– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký tiếp cận nguồn gen (sau đây gọi là hồ sơ đăng ký) tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo một trong các cách: Nộp trực tiếp tại trụ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; gửi qua đường bưu điện hoặc đăng ký điện tử.

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

+ Đơn đăng ký tiếp cận nguồn gen;

+ Văn bản chứng minh tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật của quốc gia nơi tổ chức được thành lập; xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân của cá nhân đăng ký;

+ Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký tiếp cận nguồn gen phải có văn bản hợp tác với tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam;

+ Đối với việc đăng ký tiếp cận nguồn gen thuộc chương trình, dự án, đề tài chung có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân phải có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân đại diện để thực hiện đăng ký tiếp cận nguồn gen.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký về việc xác nhận hoặc từ chối đăng ký tiếp cận nguồn gen, đồng thời nêu rõ lý do từ chối.

Kết luận: Nhà nước khuyến khích các hoạt động giúp phát triển nguồn gen và quy định cụ thể tại Luật đa dạng sinh học 2008, Nghị định 59/2017/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký tiếp cận nguồn gen (cấp Trung ương)