25. Cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH
Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ từ chủ nguồn thải thì Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét và cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Thông tư 36/2015/TT-BTNMT như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác ( Khoản 13 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014).
Chủ nguồn thải là các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở phát sinh chất thải (Khoản 19 Điều 3 Nghị định 38/2015/NĐ-CP).
2. Nguyên tắc xác định chủ nguồn thải CTNH
Việc xác định chủ nguồn thải CTNH để đăng ký chủ nguồn thải theo quy định Khoản 2 Điều 12 Thông tư 36/2015/TT-BTNMT:
– Việc xác định chủ nguồn thải CTNH để đăng ký chủ nguồn thải phải căn cứ vào nơi phát sinh CTNH;
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh CTNH bên ngoài cơ sở của mình phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân quản lý nơi phát sinh về việc lựa chọn giữa một trong hai đối tượng này để đăng ký chủ nguồn thải CTNH trừ trường hợp CTNH phát sinh do sự cố hoặc trường hợp bất khả kháng;
– Chủ nguồn thải CTNH được đăng ký chung cho các cơ sở phát sinh CTNH do mình sở hữu hoặc điều hành trong phạm vi một tỉnh hoặc được lựa chọn một điểm đầu mối để đại diện đăng ký chung đối với cơ sở phát sinh CTNH có dạng tuyến trải dài trên phạm vi một tỉnh.
3. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại
Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại (Điều 7 Nghị định 38/2015/NĐ-CP):
– Đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
– Có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chấtthải nguy hại phải báo cáo và quản lý.
– Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định (Khoản 3 Điều 7 Nghị định 38/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 36/2015/TT-BTNMT).
– Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.
– Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm định kỳ 06 (sáu) tháng báo cáo về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh với Sở Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ khi chưa chuyển giao được trong các trường hợp sau:
– Chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi;
– Chưa tìm được chủ xử lý chất thải nguy hại phù hợp.
– Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại (định kỳ và đột xuất) và các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định.
– Khi chấm dứt hoạt động phát sinh chất thải nguy hại, phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng.
4. Đối tượng đăng ký chủ nguồn thải CTNH
Đối tượng đăng ký chủ nguồn thải CTNH được quy định tại Điều 12 Thông tư 36/2015/TT-BTNMT:
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động phát sinh CTNH phải đăng ký chủ nguồn thải CTNH với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh CTNH.
– Các đối tượng không phải thực hiện thủ tục lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH mà chỉ phải đăng ký bằng báo cáo quản lý CTNH định kỳ:
– Cơ sở phát sinh CTNH có thời gian hoạt động không quá 01 (một) năm;
– Cơ sở phát sinh CTNH thường xuyên hay định kỳ hàng năm với tổng số lượng không quá 600 (sáu trăm) kg/năm, trừ trường hợp CTNH thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi tắt là Công ước Stockholm);
– Cơ sở dầu khí ngoài biển.
Lưu ý:
– Thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 38/2015/NĐ-CP chỉ thực hiện một lần (không gia hạn, điều chỉnh) khi bắt đầu có hoạt động phát sinh chất thải nguy hại. Sổ đăng ký chỉ cấp lại trong trường hợp có thay đổi tên chủ nguồn thải hoặc địa chỉ, số lượng cơ sở phát sinh chất thải nguy hại; thay đổi, bổ sung phương án tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở. Sau khi được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải, thông tin về chất thải được cập nhật bằng báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ (khoản 2 Điều 6 Nghị định 38/2015/NĐ-CP).
5. Xử phạt hành chính
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đâycủa chủ nguồn thải chất thải nguy hại (khoản 1 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP).
+ Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định hoặc không lập báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
+ Kê khai không đúng, không đầy đủ chất thải nguy hại đã chuyển giao trong chứng từ chất thải nguy hại theo quy định;
+ Không báo cáo theo quy định với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lưu giữ chất thải nguy hại quá 06 tháng kể từ ngày phát sinh chất thải nguy hại trong trường hợp chưa tìm được chủ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại phù hợp;
+ Không chuyển chứng từ chất thải nguy hại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc không đăng ký cấp lại chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định (khoản 4 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP)
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp để thu gom, xử lý theo quy định trong trường hợp chủ nguồn thải đã định kỳ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương không cho phép tiếp tục lưu giữ (Điểm b khoản 5 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP)
Kết luận: Khi Cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Thông tư 36/2015/TT-BTNMT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:
Cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH