1. Cấp/cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm

Posted on

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và quyết định Cấp/cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Nghị định 93/2016/NĐ-CP, Thông tư 09/2015/TT-BYT.

1. Khái niệm

Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân (khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012).

Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và bên ngoài cơ quan sinh dục) hoặc răng và niêm mạc miệng với một hoặc nhiều mục đích chính sau: Làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, giữ cơ thể trong điều kiện tốt (khoản 1 Điều 2 Nghị định 93/2016/NĐ-CP).

2. Quảng cáo mỹ phẩm

Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP:

Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu sau đây:

– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược;

– Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau đây:

– Tên mỹ phẩm;

– Tính năng, công dụng của mỹ phẩm;

– Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

– Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.

Lưu ý:

Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại các điểm a, b và d Khoản 2 Điều này.

3. Điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm

Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 09/2015/TT-BYT:

Mỹ phẩm phải đủ điều kiện quảng cáo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 20 của Luật quảng cáo: Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;

Nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và các nội dung sau đây:

+ Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác;

+ Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.

Có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam của đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm ủy quyền bằng văn bản.

Lưu ý:

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với mỹ phẩm của cơ sở đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có trụ sở chính đặt tại địa bàn quản lý của Sở Y tế; Trường hợp quảng cáo mỹ phẩm thông qua hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện thì Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự kiến tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo (khoản 2 Điều 12 Thông tư 09/2015/TT-BYT).

4. Phí thẩm định, lệ phí cấp, cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế

Quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BYT:

4.1. Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo có trách nhiệm nộp phí thẩm định, lệ phí cấp, cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật.

4.2. Một mẫu quảng cáo tương ứng với một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phải nộp phí thẩm định, lệ phí xác nhận như sau:

– Trường hợp được coi là một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo, bao gồm:

+ Một mẫu quảng cáo của một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho một đối tượng;

+ Một mẫu quảng cáo của một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho một đối tượng cho nhiều hình thức quảng cáo (ví dụ: tờ rơi, áp phích, sách, báo, …).

– Trường hợp không được coi là một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo, bao gồm:

+ Nhiều mẫu quảng cáo khác nhau của một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho một đối tượng. Trường hợp này mỗi mẫu quảng cáo được coi là một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;

+ Một mẫu quảng cáo gồm nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác nhau cho một đối tượng. Trường hợp này mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được coi là một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo.

– Đối với quảng cáo thuốc:

Trường hợp được coi là một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc, bao gồm:

+ Các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

+ Một mẫu quảng cáo của một thuốc có một hàm lượng, một dạng bào chế cho một đối tượng;

+ Một mẫu quảng cáo của hai hay nhiều thuốc có cùng hoạt chất nhưng có hàm lượng, dạng bào chế, đường dùng khác nhau của cùng một nhà sản xuất cho một đối tượng.

– Đối với quảng cáo mỹ phẩm:

Trường hợp được coi là một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, bao gồm:

+ Các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

+ Một mẫu quảng cáo của hai hay nhiều sản phẩm tương ứng với một phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận.

– Đối với quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm:

+ Trường hợp được coi là một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, bao gồm: Các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này; Một mẫu quảng cáo cho hai hay nhiều sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm có chung công dụng, đối tượng sử dụng.

+ Trường hợp không được coi là một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, bao gồm: Các trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này; Một mẫu quảng cáo cho hai hay nhiều sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhóm công dụng, đối tượng sử dụng khác nhau. Trường hợp này mỗi sản phẩm được coi là một hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Cấp/cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Nghị định 93/2016/NĐ-CP, Thông tư 09/2015/TT-BYT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm

Cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm