16. Giải quyết hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Căn cứ những quy định Pháp lệnh người có công với cách mạng năm 2020, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết về vấn đề giải quyết hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
1. Một số khái niệm cơ bản
Theo Điều 3 Pháp lệnh người có công với cách mạng năm 2020 quy định:
Người có công với cách mạng bao gồm:
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
+ Liệt sĩ;
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
+ Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
+ Bệnh binh;
+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
+ Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
+ Người có công giúp đỡ cách mạng.
Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.
2. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
2.1 Đối tượng
Căn cứ Điều 53 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học được xác định như sau:
– Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội.
– Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc công an.
– Cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
– Thanh niên xung phong tập trung.
đ) Công an xã; dân quân; du kích; tự vệ; dân công; cán bộ thôn, ấp, xã, phường.
2.2 Điều kiện xác nhận
Đối tượng được xem là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học căn cứ theo Điều 29 Pháp lệnh người có công với cách mạng năm 2020 và Điều 53 Nghị định 131/2021/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K và một số địa danh thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bao gồm các xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy bị nhiễm chất độc hoá học.
– Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật sau: Mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21 % trở lên; Vô sinh; Sinh con dị dạng, dị tật.
3. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Căn cứ Điều 30 Pháp lệnh người có công với cách mạng năm 202, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được quy định như sau:
– Trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như sau:
+ Người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này thì được hưởng trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể theo các mức từ 21% đến 40%, từ 41% đến 60%, từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên;
+ Người thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này mà không mắc bệnh hoặc mắc bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61% thì được hưởng trợ cấp hằng tháng như người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%; trường hợp mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể theo mức từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên quy định tại điểm a khoản này;
+ Bệnh binh mắc thêm bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này do nhiễm chất độc hóa học được khám giám định tổng hợp để hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể;
+ Bệnh binh thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này được hưởng trợ cấp hằng tháng đối với bệnh binh và trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%;
+ Bệnh binh mắc thêm bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này do nhiễm chất độc hóa học và thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này được chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản này.
– Phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81 % trở lên.
– Trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.
– Bảo hiểm y tế.
– Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.
– Chế độ ưu đãi quy định tại các điểm c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này. Cụ thể:
+ Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên
+ Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;
+ Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;
+ Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;
+ Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh;
+ Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.
4. Giải quyết hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Căn cứ khoản 2 Điều 29 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:
– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
– Cơ quan thực hiện: Uỷ ban nhân dân cấp xã
– Thời hạn giải quyết:v Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.
Kết luận: Giải quyết hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được quy định tại Pháp lệnh người có công với cách mạng năm 2020, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH.
Chi tiết trình tư, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:
Giải quyết hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học