27. Lập Sổ theo dõi và cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình

Posted on

Các cá nhân được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình có thể thực hiện thủ tục Lập Sổ theo dõi và cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14Nghị định 131/2021/NĐ-CP, Nghị định 75/2021/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC.

1. Đối tượng áp dụng:

Người có công với cách mạng và thân nhân. Người có công với cách mạng theo theo Điều 3 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14:

– Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

– Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

– Liệt sĩ;

– Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

– Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

– Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

– Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

– Bệnh binh;

– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

– Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

– Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

– Người có công giúp đỡ cách mạng.

Những trường hợp không áp dụng theo Điều 2 Nghị định 31/2013/NĐ-CP:

– Đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi.

– Đang chấp hành án tù giam, tù chung thân hoặc bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia.

– Bị tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu công an nhân dân, danh hiệu dân quân tự vệ; bị buộc thôi việc.

2. Chế độ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình

2.1 Thương binh, bệnh binh được cấp phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật ghi trong hồ sơ thương binh, bệnh binh và chỉ định của cơ sở chỉnh hình phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh trở lên (sau đây gọi chung là cơ sở y tế), cụ thể như sau (khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC):

– Tay giả;

– Máng nhựa tay;

– Chân giả;

– Máng nhựa chân;

– Một đôi giày hoặc một đôi dép chỉnh hình;

– Nẹp đùi, nẹp cẳng chân;

– Áo chỉnh hình;

– Xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc;

– Nạng;

– Máy trợ thính theo chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên;

– Lắp mắt giả theo chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên. Tiền lắp mắt giả thanh toán theo chứng từ của bệnh viện cấp tỉnh trở lên;

– Làm răng giả đối với thương binh theo số răng bị mất ghi tại hồ sơ thương binh và chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên; lắp hàm giả đối với thương binh hỏng hàm do thương tật căn cứ theo hồ sơ thương binh và chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên;

– Mua các đồ dùng phục vụ sinh hoạt đối với thương binh, bệnh binh bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn hoặc bị tâm thần thể kích động; Trường hợp vừa bị thể tâm thần kích động đồng thời bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn chỉ được cấp 01 lần tiền để mua các đồ dùng sinh hoạt;

– Trường hợp cấp xe lăn hoặc xe lắc đồng thời cấp chân giả thì thời hạn sử dụng của mỗi phương tiện là 06 năm.

2.2 Các đối tượng sau đây được cấp xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc căn cứ chỉ định của cơ sở y tế (khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC):

– Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

– Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

– Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

– Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

– Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

– Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

– Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”.

2.3 Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng căn cứ chỉ định của cơ sở y tế được cấp (khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC):

– Xe lăn;

– Cấp tiền mua kính râm, gậy dò đường.

2.4 Chế độ hỗ trợ khi đi làm phương tiện trợ giúp:

Thương binh, bệnh binh khi đi làm chân giả, tay giả, nẹp chỉnh hình, giày hoặc dép chỉnh hình, răng giả, mắt giả được hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn (khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC)

3. Trình tự, thủ tục lập Sổ theo dõi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC thì trình tự, thủ tục lập Sổ theo dõi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình được thực hiện như sau:

Người được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đối với các trường hợp đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm các giấy tờ sau:

a) Đơn đề nghị lập Sổ theo dõi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (mẫu số 04-CSSK);

b) Giấy chỉ định của cơ sở y tế về việc sử dụng phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình.

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm:

a) Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ quy định tại Khoản 1 Điều này, có trách nhiệm lập danh sách cấp Sổ theo dõi (mẫu số 05-CSSK) kèm các giấy tờ liên quan gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho người đứng đơn để hoàn thiện theo quy định.

b) Lập Sổ quản lý (mẫu số 06-CSSK) và phát Sổ theo dõi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (sau đây gọi tắt là Sổ theo dõi, mẫu số 08-CSSK) cho đối tượng.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận được giấy tờ hợp lệ do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm chuyển đến, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, lập Sổ quản lý (mẫu số 06-CSSK); lập Sổ theo dõi (mẫu số 08-CSSK) của từng đối tượng và chuyển về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm để phát cho đối tượng.

Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 05 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm để hoàn thiện theo quy định.

  4. Trình tự, thủ tục cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC thì trình tự, thủ tục cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình được thực hiện như sau:

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm:

a) Căn cứ Sổ quản lý, lập danh sách người có công với cách mạng và thân nhân đến niên hạn được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (sau đây gọi tắt là danh sách, mẫu số 7b-CSSK) gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

b) Thực hiện hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn cho đối tượng khi đi làm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu Sổ quản lý, ra quyết định (mẫu số 7a-CSSK, 7b-CSSK).

Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 05 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm để hoàn thiện theo quy định.

Các Trung tâm thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ Sổ quản lý kiểm tra, đối chiếu, ra quyết định (mẫu số 7a-CSSK, 7b-CSSK) và gửi danh sách các trường hợp được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình hàng năm về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để báo cáo.

5. Xử lý vi phạm

Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14  thì các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý như sau:

  1. Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết đình công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận.
  2. Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.
  3. Người chứng nhận sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ cho người khác để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
  4. Người vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; lợi dụng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng để trục lợi: thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật

Kết luận: Khi thực hiện thủ tục Lập Sổ theo dõi và cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình Người được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh cần gửi giấy tờ đến trực tiếp Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đối với các trường hợp đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Đồng thời lưu ý các yêu cầu quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14Nghị định 131/2021/NĐ-CP, Nghị định 75/2021/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Lập Sổ theo dõi và cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình