5. Chấp thuận chủ trương dự án ĐTXD nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 (trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công)

Posted on

Trong một số trường hợp, nhà đầu tư cần phải có văn bản chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của thủ tướng Chính Phủ theo quy định của Luật nhà ở 2014 (trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công).  Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Thông tư 19/2016/TT-BXD.

1. Khái quát chung

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014 bao gồm:

– Dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo một công trình nhà ở độc lập hoặc một cụm công trình nhà ở;

– Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực nông thôn;

– Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hoặc dự án sử dụng đất hỗn hợp mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở;

– Dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Các tổ chức, cá nhân trước khi lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc diện quy định trên thì phải làm thủ tục đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Nghị định 99/2015/NĐ-CP. (khoản 1 Điều 9 Nghị định 99/2015/NĐ-CP)

2. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 (trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công)

Theo khoản 4 Điều 9 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, trường hợp xây dựng nhà ở không thuộc phạm vi điều chỉnh diện của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công nhưng thuộc các diện sau đây thì phải làm thủ tục gửi Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư:

– Dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng có số lượng nhà ở từ 2.500 căn trở lên (bao gồm nhà biệt thự, nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) tại khu vực không phải là đô thị;

– Dự án có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng có số lượng nhà ở từ 2.500 căn trở lên tại khu vực đô thị

– Dự án không phân biệt quy mô diện tích đất, số lượng nhà ở nhưng thuộc địa giới hành chính của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở(Điều 4 Thông tư 19/2016/TT-BXD)

Trường hợp chưa xác định được nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định sau:

+ Sở Xây dựng nơi có dự án chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập hồ sơ theo quy định và có tờ trình gửi ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định; nội dung liên quan đến quy hoạch, bản vẽ quy hoạch trong hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

+ Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định và có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

Trường hợp đã có nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định sau:

+ Nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định tại Sở Xây dựng nơi có dự án; nội dung liên quan đến quy hoạch, bản vẽ quy hoạch trong hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi hồ sơ lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước có liên quan về dự án. Trong thời hạn 15 ngày, kế từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến, cơ quan được lấy ý kiến phải có văn bản trả lời về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình liên quan đến dự án gửi Sở Xây dựng;

+ Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Xây dựng có tờ trình kèm theo hồ sơ, gửi ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định.

+ Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định và có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại điếm a khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Lưu ý:

Theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, tổ chức cá nhân cần lưu ý những điểm sau:

– Trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Nghị định này thì Sở Xây dựng chủ trì lập hồ sơ và có Tờ trình trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định; nếu dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải lấy thêm ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi thẩm định, Bộ Xây dựng có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

– Thời gian thực hiện thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là 30 ngày, kể từ ngày Bộ Xây dựng nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thời gian Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến (nếu có) là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

4. Nội dung quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở

Theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, nội dung văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 (trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) bao gồm:

Tên dự án bằng tiếng Việt, nếu là dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà chủ đầu tư có nhu cầu đặt tên bằng tiếng nước ngoài thì phải viết đầy đủ tên bằng tiếng Việt trước và viết tiếng nước ngoài sau;

– Tên chủ đầu tư (nếu đã lựa chọn chủ đầu tư);

– Địa điểm, ranh giới, quy mô diện tích đất của dự án; nếu có sử dụng diện tích đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thì phải nêu rõ diện tích được chuyển đổi mục đích sử dụng;

– Mục tiêu của dự án; hình thức đầu tư;

– Nội dung chính của dự án (công việc thực hiện, số lượng từng loại nhà ở cần đầu tư xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, phương án triển khai thực hiện);

– Tổng mức đầu tư; nguồn vốn đầu tư;

– Phương thức giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nếu có); diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê; diện tích sàn xây dựng nhà ở phải dành để cho thuê;

– Các công trình hạ tầng chủ đầu tư được quản lý hoặc phải chuyển giao cho Nhà nước sau khi hoàn thành việc xây dựng;

– Thời gian và tiến độ thực hiện dự án; phân kỳ đầu tư (nếu có);

– Các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với dự án và điều kiện áp dụng (nếu có); trách nhiệm của chủ đầu tư, của chính quyền địa phương trong việc thực hiện dự án;

– Thời hạn hiệu lực của văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Lưu ý

Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, mẫu văn bản đề nghị chấp thuận và mẫu văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Nhà ở 2014 (trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) (Khoản 3 Điều 11 Nghị định 99/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 19/2016/TT-BXD).

Kết luận: Thủ tục Chấp thuận chủ trương dự án ĐTXD nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 (trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) được quy định dựa theo các quy định Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Thông tư 19/2016/TT-BXD.

Chi tiết trình tự hồ sơ, mẫu đơn xem tại:

Thủ tục Chấp thuận chủ trương dự án ĐTXD nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 (trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công)