1. Đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ

Posted on

Một đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm trước khi công bố phải được tiến hành nghiệm thu. Từ đó phát sinh nên thủ tục đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo quy định tại Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Đề tài khoa học và công nghệ là nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nội dung chủ yếu là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn, bao gồm đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài nghiên cứu ứng dụng, đề tài triển khai thực nghiệm hoặc kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm (khoản 4 điều 3 Nghị định 08/2014/NĐ-CP).

Dự án sản xuất thử nghiệm là nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm để thử nghiệm các giải pháp, phương pháp, mô hình quản lý kinh tế – xã hội hoặc sản xuất thử ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống (Khoản 6 điều 3 Nghị định 08/2014/NĐ-CP).

2. Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ gồm (Khoản 4 điều 19 Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT):

–  Bộ trưởng quyết định thành lập hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài, dự án (sau đây gọi tắt là hội đồng nghiệm thu).

–  Thành phần hội đồng nghiệm thu theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT gồm:

Hội đồng tư vấn có 05 hoặc 07 thành viên gồm chủ tịch, phó chủ tịch, 02 ủy viên phản biện, 01 thư ký khoa học và các ủy viên hội đồng. Thành phần hội đồng gồm các chuyên gia có uy tín, có trách nhiệm, có trình độ và chuyên môn phù hợp, đại diện của Ban chuyên ngành của hội đồng Khoa học và Công nghệ Bộ, Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý khoa học, tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, hội đồng tư vấn có thư ký hành chính chuẩn bị tài liệu và tổ chức các phiên họp hội đồng tư vấn.

Lưu ý:

Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng quyết định số lượng thành viên và thành phần hội đồng khác với quy định trên

– Cá nhân tham gia đề tài không được là thành viên hội đồng. Tổ chức chủ trì thực hiện đề tài không quá 01 người tham gia vào hội đồng và không được làm chủ tịch, phó chủ tịch, phản biện hoặc thư ký khoa học.

3. Phương thức làm việc của hội đồng nghiệm thu cấp Bộ

Phương thức làm việc và trách nhiệm của thành viên hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp như sau (Điều 11 Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT):

– Phương thức làm việc của hội đồng

+ Phiên họp của hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên của hội đồng, trong đó phải có chủ tịch hoặc phó chủ tịch, các ủy viên phản biện và thư ký khoa học. Ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo.

+ Chủ tịch hội đồng chủ trì các phiên họp của hội đồng. Trong trường hợp chủ tịch hội đồng vắng mặt, phó chủ tịch hội đồng chủ trì phiên họp.

– Trách nhiệm của thành viên hội đồng: Đánh giá trung thực, khách quan và công bằng; chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả đánh giá của mình và trách nhiệm tập thể về kết luận chung của hội đồng; giữ bí mật về các thông tin liên quan đến quá trình đánh giá.

Lưu ý:

– Tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm có kết quả thực hiện đề tài, dự án bị đánh giá ở mức “Không đạt” hoặc không gửi Hồ sơ đề nghị đánh giá, nghiệm thu đề tài, dự án về cơ quan quản lý khoa học đúng thời gian quy định không được tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp (khoản 3 Điều 20 Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT).

4. Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, dự án

4.1. Tự đánh giá kết quả thực hiện đề tài, dự án được quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT):

– Tổ chức chủ trì thực hiện đề tài, dự án (sau đây gọi là Tổ chức chủ trì) tự đánh giá kết quả thực hiện đề tài, dự án theo điểm a, c và d khoản 5 Điều 19 Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT trước khi nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu cho đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả tự đánh giá.

– Kết quả tự đánh giá được tổng hợp và báo cáo theo mẫu B15.BCTĐG- BNN tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT.

4.2. Trách nhiệm của thành viên hội đồng (Điều 23 Thông tư 11/2014/TT-BKHCN):

– Thành viên hội đồng đánh giá, nghiệm thu có trách nhiệm:

  • Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ theo Mẫu 4a hoặc Mẫu 4b tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và gửi phiếu nhận xét về đơn vị quản lý nhiệm vụ ít nhất 01 ngày làm việc trước khi tổ chức họp hội đồng;
  • Yêu cầu tổ chức và cá nhân liên quan cung cấp các tài liệu cần thiết phục vụ cho việc đánh giá, nghiệm thu;
  • Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khách quan, chính xác và chịu trách nhiệm về ý kiến đánh giá;
  • Không được cung cấp thông tin về kết quả đánh giá trước khi có quyết định công nhận kết quả; không được lưu giữ, khai thác, công bố và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật hoặc chưa được sự đồng ý của Bộ chủ trì nhiệm vụ.

Chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng được ủy quyền ngoài trách nhiệm của thành viên hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư 11/2014/TT-BKHCN, còn có trách nhiệm sau:

  • Báo cáo và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến kết quả đánh giá của hội đồng theo yêu cầu của Thủ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ;
  • Xác nhận việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá của chủ nhiệm nhiệm vụ theo ý kiến kết luận của hội đồng.

Uỷ viên hội đồng được bầu làm thành viên ban kiểm phiếu ngoài trách nhiệm của thành viên hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư 11/2014/TT-BKHCN, còn có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của các phiếu đánh giá, tổng hợp, báo cáo kết quả bỏ phiếu của các thành viên hội đồng

Kết luận: Khi đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ