10. Cấp, cấp lại, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Posted on

Tổ chức kinh doanh dịch vthử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa khi có nhu cầu được cấp, cấp lại, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần tiến hành nộp hồ sơ theo trình tự, thủ tục. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa những nội dung trên theo quy dịnh tại Luật tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Nghị định 107/2016/NĐ-CP, Nghị định 119/2017/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng (khoản 1 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007).

Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị (khoản 2 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007).

Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (khoản 5 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007).

Thử nghiệm là thao tác kỹ thuật nhằm xác định một hay nhiều đặc tính của sản phẩm, hàng hóa theo một quy trình nhất định (khoản 10 Điều Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007).

Đánh giá sự phù hợp là việc xác định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định (khoản 5 Điều 3 Luật tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật năm 2006).

Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (khoản 8 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007).

2. Hoạt động thử nghiệm

2.1. Phân loại hoạt động thử nghiệm:

Việc thử nghiệm được quy định như sau (khoản 1 Điều 25 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007):

– Thử nghiệm phục vụ hoạt động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo thoả thuận với tổ chức thử nghiệm;

– Thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước được thực hiện tại phòng thử nghiệm được chỉ định.

2.2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động thử nghiệm:

2.2.1. Quyền của tổ chức hoạt động thử nghiệm (Điều 19 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007):

– Tiến hành thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực đã đăng ký hoạt động.

– Được thanh toán chi phí theo thoả thuận với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có nhu cầu đánh giá sự phù hợp hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Cung cấp kết quả thử nghiệm cho đối tượng được đánh giá sự phù hợp tương ứng.

– Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho bên thứ ba, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

– Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật.

– Thu chi phí thử nghiệm theo quy định tại Điều 31; thu chi ph; thu chi phí thử nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 41; thu chi phí thử nghiệm, theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007.

2.2.2. Tổ chức hoạt động thử nghiệm có các nghĩa vụ như của tổ chức cung ứng hoạt động đánh giá sự phù hợp (Điều 20 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007):

– Đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 25 của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007:

  • Có tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu chung đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng;
  • Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng;
  • Đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền

– Không được từ chối cung cấp dịch vụ khi không có lý do chính đáng.

– Bảo mật các thông tin, số liệu, kết quả quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức được đánh giá sự phù hợp, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

– Bảo đảm công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, chính xác và không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

– Bảo đảm trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

– Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc cấp, cấp lại, mở rộng, thu hẹp phạm vi hoặc tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận sự phù hợp và quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy.

– Chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động đánh giá sự phù hợp.

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá sự phù hợp.

– Trả tiền phạt cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá trong trường hợp cung cấp sai kết quả đánh giá sự phù hợp. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10 lần chi phí đánh giá, trường hợp các bên không thoả thuận được thì mức phạt do trọng tài hoặc toà án quyết định, nhưng không vượt quá 10 lần chi phí đánh giá.

– Bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007.

3. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa:

3.1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 5 Nghị định 107/2016/NĐ-CP):

– Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.

– Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.

– Có ít nhất 04 thử nghiệm viên chính thức của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn), được đào tạo về tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.

Trường hợp bổ sung lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, phải có ít nhất 02 thử nghiệm viên chính thức của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn) tương ứng với lĩnh vực thử nghiệm đăng ký bổ sung, được đào tạo về tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.

3.2. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa:

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ (khoản 1 Điều 6 Nghị định 107/2016/NĐ-CP): Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động giám định theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị định 107/2016/NĐ-CP:

– Tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ, quá trình, môi trường (sau đây gọi là đối tượng đánh giá sự phù hợp) chuyên ngành thuộc trách nhiệm, quản lý nhà nước của một bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công thì thực hiện đăng ký hoạt động tại bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý đối tượng đó.

– Tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với đối tượng đánh giá sự phù hợp tổng hợp đa ngành thuộc trách nhiệm quản lý của từ hai bộ quản lý ngành, lĩnh vực trở lên thì thực hiện đăng ký hoạt động tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

– Tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với hai hoặc nhiều đối tượng đánh giá sự phù hợp chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của hai hoặc nhiều bộ quản lý ngành, lĩnh vực thì thực hiện đăng ký hoạt động tại các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý từng đối tượng tương ứng.

Lưu ý:

– Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận không quá 05 năm kể từ ngày cấp (điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 107/2016/NĐ-CP).

3.3. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa (khoản 3 Điều 8 Nghị định 107/2016/NĐ-CP):

– Giấy chứng nhận được cấp lại áp dụng đối với trường hợp tổ chức thử nghiệm có Giấy chứng nhận còn hiệu lực nhưng bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi tên, địa chỉ của tổ chức;

– Trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, tổ chức thử nghiệm có nhu cầu đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 107/2016/NĐ-CP và gửi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cấp lại Giấy chứng nhận cho tổ chức thử nghiệm. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

– Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận ghi theo thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm đã được cấp.

3.4. Cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa (khoản 2 Điều 8 Nghị định 107/2016/NĐ-CP):

–  Giấy chứng nhận được cấp bổ sung, sửa đổi áp dụng đối với trường hợp tổ chức thử nghiệm bổ sung, mở rộng, thu hẹp phạm vi thử nghiệm;

-Trình tự cấp Giấy chứng nhận thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 107/2016/NĐ-CP;

– Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận ghi theo thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm đã được cấp.

4. Xử phạt vi phạm hành chính:

Vi phạm về cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật về giấy tờ, tài liệu liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 24 Nghị định 119/2017/NĐ-CP):

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 14 Nghị định 119/2017/NĐ-CP):

  • Tẩy xóa, sửa chữa làm sai sự thật về chứngchỉ thử nghiệm, kết quả thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
  • Tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ, kết quả thử nghiệmphương tiện đo, chuẩn đo lường;
  • Sử dụng hồ sơ, tài liệu sai sự thật để đăng ký hoạt động thử nghiệm.
  • Tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy chứng nhận đăng kýhoạt động thử nghiệm.

Hình thức xử phạt bổ sung (điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định 119/2017/NĐ-CP): Tịch thu chứng chỉ kiểm định, kết quả kiểm định, tem, dấu kiểm định, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm.

Kết luận: Tổ chức kinh doanh dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa khi có nhu cầu được cấp, cấp lại, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật (Điều 6, 7 và 8 Nghị định 107/2016/NĐ-CP).

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Cấp, cấp lại, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa