12. Lấy ý kiến báo cáo ĐMC không thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Posted on

Việc lấy ý kiến báo cáo ĐMC không thuộc quyền thẩm định và phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Cơ quan quy hoạch thực hiện theo Luật bảo vệ môi trường 2014, Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Khái niệm

Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường, làm nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững (Khoản 22 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014).

2. Đánh giá môi trường chiến lược

2.1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm (khoản 1 Điều 13 Luật bảo vệ môi trường 2014 được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018):

– Chiến lược khai thác và sử dụng tài nguyên cấp quốc gia; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng có tác động lớn đến môi trường;

– Quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có tác động lớn đến môi trường; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt;

– Điều chỉnh chiến lược, quy hoạch của các đối tượng trên mà thay đổi mục tiêu của chiến lược, quy hoạch phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

2.2. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (Điều 14 Luật bảo vệ môi trường 2014):

– Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

– Đánh giá môi trường: chiến lược phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

– Kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải được xem xét, tích hợp vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

– Trên cơ sở thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm định.

2.3. Nội dung chính của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (Điều 15 Luật bảo vệ môi trường 2014)

– Sự cần thiết, cơ sở pháp lý của nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

– Phương pháp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

– Tóm tắt nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

– Môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội của vùng chịu sự tác động bởi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

– Đánh giá sự phù hợp của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường.

– Đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường trong trường hợp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

– Đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

– Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

– Giải pháp duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

– Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và kiến nghị hướng xử lý

2.4. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (Điều 16 Luật bảo vệ môi trường 2014):

Trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được quy định như sau:

– Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định;

– Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình;

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập.

Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược tổ chức điều tra, đánh giá thông tin trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan.

3. Lấy ý kiến báo cáo ĐMC không thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3.1 Báo cáo ĐMC không thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT và điểm a, c khoản 1 Điều 16 Luật bảo vệ môi trường 2014, báo cáo ĐMC sau không thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

– Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định;

–  Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định.

3.2. Lấy ý kiến báo cáo ĐMC không thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

– Cơ quan lập quy hoạch phải gửi hồ sơ lấy ý kiến về báo cáo ĐMC (sau đây gọi tắt là hồ sơ) trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét và có ý kiến bằng văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định (khoản 1 Điều 10 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT).

– Cơ quan lập quy hoạch là đơn vị trực thuộc được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao lập và quản lý dự án quy hoạch, kế hoạch và chiến lược (khoản 2 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT).

Kết luận: Cơ quan lập quy hoạch phải gửi hồ sơ lấy ý kiến về báo cáo ĐMC không thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và thực hiện theo quy địnhLuật bảo vệ môi trường 2014, Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT.

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Lấy ý kiến báo cáo ĐMC không thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn