15. Phê duyệt dự án khuyến nông, thuyết minh dự án khuyến nông trung ương
Dự án khuyến nông, thuyết minh dự án khuyến nông trung ương được gửi hồ sơ phê duyệt theo thủ tục phê duyệt dự án khuyến nông, thuyết minh dự án khuyến nông trung ương. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa những nội dung trên theo quy định tại Nghị định 83/2018/NĐ-CP, Thông tư 25/2017/TT-BNNPTNT như sau:
1. Khái niệm:
Khuyến nông là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới (khoản 1 Điều 2 Nghị định 83/2018/NĐ-CP).
Chương trình khuyến nông là tập hợp các dự án, nhiệm vụ khuyến nông để phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của ngành và địa phương trong từng giai đoạn, bao gồm: tên chương trình; mục tiêu khái quát; tên các dự án, nhiệm vụ khuyến nông để thực hiện chương trình; địa bàn triển khai; kết quả dự kiến (khoản 6 Điều 2 Nghị định 83/2018/NĐ-CP).
Dự án khuyến nông trung ương là tập hợp các nội dung hoạt động khuyến nông để thực hiện chương trình khuyến nông trung ương, thời gian thực hiện từ 01 đến 05 năm, gồm: tên dự án; mục tiêu; nội dung hoạt động; địa bàn triển khai; thời gian thực hiện; kết quả dự kiến kiến (khoản 7 Điều 2 Nghị định 83/2018/NĐ-CP).
Kế hoạch khuyến nông hàng năm là tập hợp các nội dung hoạt động khuyến nông thực hiện trong năm kế hoạch đã được Bộ phê duyệt. (khoản 3 Điều 2 Thông tư 25/2017/TT-BNNPTNT)
Nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên là các nhiệm vụ khuyến nông được thực hiện thường xuyên hàng năm để phục vụ hoạt động chung của hệ thống khuyến nông cả nước và các nhiệm vụ chung của Bộ, ngành. (khoản 6 Điều 2 Thông tư 25/2017/TT-BNNPTNT)
2. Dự án khuyến nông trung ương:
2.1. Yêu cầu đối với dự án khuyến nông trung ương
Theo Điều 13 Nghị định 83/2018/NĐ-CP quy định:
– Đáp ứng mục tiêu, phạm vi, nội dung chương trình khuyến nông trung ương đã được phê duyệt hoặc nhiệm vụ đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chuyển giao phải được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc chấp thuận.
– Nội dung hoạt động trong dự án khuyến nông trung ương bao gồm: xây dựng mô hình; nhân rộng mô hình; quản lý dự án. Trong đó, nội dung xây dựng mô hình phải có sự phối hợp tham gia của tổ chức khuyến nông cấp tỉnh hoặc tổ chức khuyến nông khác trên địa bàn có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với nội dung của dự án.
2.2. Tiêu chí đăng ký tham gia chủ trì dự án khuyến nông trung ương
Căn cứ Điều 14 Nghị định 83/2018/NĐ-CP quy định:
Đối với tổ chức chủ trì dự án:
– Có chức năng, nhiệm vụ khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với lĩnh vực, sản phẩm của dự án; ưu tiên tổ chức có quyền sở hữu, quyền tác giả đối với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mà dự án cần chuyển giao;
– Đáp ứng các yêu cầu về nhân lực, khoa học kỹ thuật để triển khai thực hiện dự án;
– Trong 2 năm tính đến thời điểm đăng ký chủ trì dự án không thuộc một trong các trường hợp sau: đã chủ trì dự án khuyến nông trung ương có kết quả nghiệm thu ở mức “không đạt”; sử dụng kinh phí dự án khuyến nông trung ương không đúng mục đích, quy định của pháp luật.
Đối với chủ nhiệm dự án:
– Là cá nhân thuộc tổ chức chủ trì, được giao trực tiếp tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm chính về kết quả dự án;
– Có trình độ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo phù hợp với nội dung chính của dự án; có ít nhất 03 năm hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hoặc sản xuất kinh doanh trong cùng lĩnh vực, sản phẩm của dự án;
– Trong 02 năm tính đến thời điểm đăng ký chủ nhiệm dự án không thuộc một trong các trường hợp sau: đã chủ nhiệm dự án khuyến nông trung ương có kết quả nghiệm thu ở mức “không đạt” hoặc có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện dự án;
– Mỗi cá nhân chỉ chủ nhiệm 01 dự án khuyến nông trung ương trong cùng thời gian.
2.3. Thành lập hội đồng đánh giá hồ sơ, tiêu chí và thang điểm đánh giá hồ sơ
Điều 18 Nghị định 83/2018/NĐ-CP quy định về thành lập hội đồng đánh giá hồ sơ, tiêu chí và thang điểm đánh giá hồ sơ như sau:
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập hội đồng đánh giá hồ sơ đăng ký chủ trì dự án khuyến nông trung ương.
– Tiêu chí và thang điểm đánh giá: Hồ sơ đăng ký chủ trì dự án khuyến nông được đánh giá, chấm điểm tối đa là 100 điểm, theo các nhóm tiêu chí và thang điểm như sau:
+ Năng lực tổ chức chủ trì: tối đa 15 điểm;
+ Năng lực của chủ nhiệm dự án: tối đa 10 điểm;
+ Năng lực của các tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện dự án: tối đa 10 điểm;
+ Nội dung hoạt động của dự án: tối đa 20 điểm;
+ Phương pháp triển khai thực hiện và tính khả thi của dự án: tối đa 15 điểm;
+ Kết quả, hiệu quả và khả năng nhân rộng: tối đa 20 điểm;
+ Kinh phí thực hiện: tối đa 10 điểm.
– Hồ sơ được hội đồng kiến nghị lựa chọn là hồ sơ có tổng số điểm trung bình của các tiêu chí cao nhất và phải đạt từ 70/100 điểm trở lên, trong đó không có tiêu chí nào có quá 1/3 số thành viên hội đồng có mặt cho điểm không (0 điểm).
2.4. Phê duyệt dự án khuyến nông trung ương
Căn cứ Điều 19 Nghị định 83/2018/NĐ-CP quy định:
– Trên cơ sở kiến nghị của hội đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt, thông báo kết quả lựa chọn tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm dự án khuyến nông trung ương.
– Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ dự án và gửi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ (trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản thông báo.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt thuyết minh dự án khuyến nông trung ương trước ngày 30 tháng 11 và giao tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án thực hiện dự án theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng theo quy định hiện hành.
2.5. Kiểm tra, đánh giá dự án khuyến nông trung ương
Điều 20 Nghị định 83/2018/NĐ-CP quy định về kiểm tra, đánh giá dự án khuyến nông trung ương như sau:
– Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện, tiến độ, kết quả, hiệu quả dự án khuyến nông trung ương. Tần suất kiểm tra được thực hiện ít nhất một lần cho mỗi dự án trong thời gian thực hiện.
– Trước khi tiến hành kiểm tra (tối thiểu 05 ngày làm việc), đoàn kiểm tra thông báo thời gian, địa điểm kiểm tra tới tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án và các thành viên đoàn kiểm tra. Tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án làm báo cáo tiến độ thực hiện dự án gửi đoàn kiểm tra để phục vụ công tác kiểm tra.
– Trong quá trình thực hiện dự án, tổ chức chủ trì tự tổ chức kiểm tra dự án và gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 6 và 15 tháng 12 hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
Kết luận: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký chủ trì, chủ nhiệm dự án khuyến nông trung ương xây dựng hồ sơ và gửi hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường) để được phê duyệt dự án khuyến nông, thuyết minh dự án khuyến nông trung ương (Điều 17 Nghị định 83/2018/NĐ-CP).
Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:
Phê duyệt dự án khuyến nông, thuyết minh dự án khuyến nông trung ương.