23. Cấp, thu hồi giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi

Posted on

Tùy vào từng thực vật biến đổi gen mà khi đưa vào sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi cần Giấy xác nhận đủ điều kiện. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ đề cập đến điều kiện cũng như thủ tục cấp, thu hồi Giấy xác nhận theo Nghị định 69/2010/NĐ-CP, Nghị định 108/2011/NĐ-CP, Nghị định 38/2012/NĐ-CP, Thông tư 04/VBHN-BNNPTNT

1. Khái niệm

1.1. Thực vật biến đổi kiểu gen: là thực vật, mẫu vật di truyền, sản phẩm trực tiếp của thực vật mang một hoặc nhiều gen mới được tạo ra bằng công nghệ ADN tái tổ hợp. (theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/VBHN-BNNPTNT)

1.2. Đánh giá rủi ro của thực vật biến đổi gen đối với sức khỏe con người và vật nuôi (sau đây gọi tắt là đánh giá rủi ro) là các hoạt động nhằm xác định nguy cơ tiềm ẩn và khả năng xảy ra rủi ro của thực vật biến đổi gen khi sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 04/VBHN-BNNPTNT).

Trong đó, tiêu chí đánh giá rủi ro bao gồm (Điều 4 Thông tư 04/VBHN-BNNPTNT):

– So sánh về thành phần dinh dưỡng của thực vật biến đổi gen với thực vật truyền thống tương đương.

– Đánh giá khả năng chuyển hóa các thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là các chất mới là sản phẩm biểu hiện của gen chuyển nếu được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

– Đánh giá khả năng gây độc tố của các chất mới là sản phẩm biểu hiện của gen chuyển nếu được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

– Đánh giá khả năng gây dị ứng của các chất mới là sản phẩm biểu hiện của gen chuyển nếu được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

– Đánh giá khả năng hình thành các hợp chất mới, khả năng gây bệnh hoặc các tác động bất lợi khác đến sức khỏe con người và vật nuôi (ví dụ như: các tác động tiềm ẩn từ quá trình chế biến; sự thay đổi về chất lượng dinh dưỡng, chức năng dinh dưỡng; sự tích lũy của các chất mới; gen chỉ thị kháng kháng sinh).

2. Cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi

2.1 Các trường hợp phải đăng ký cấp giấy xác nhận

Các trường hợp phải đăng ký cấp giấy chứng nhận bao gồm (Điều 5 Thông tư 04/VBHN-BNNPTNT):

– Thực vật biến đổi gen mang sự kiện chuyển gen đơn lẻ (single transformation event) là kết quả của quá trình chuyển một gen quy định một tính trạng mong muốn bằng công nghệ chuyển gen.

– Thực vật biến đổi gen mang sự kiện chuyển gen tổ hợp (vector stacked transformation event) là kết quả của quá trình chuyển từ hai hoặc nhiều gen quy định một hoặc nhiều tính trạng mong muốn bằng công nghệ chuyển gen.

2.2. Điều kiện cấp giấy xác nhận

Thực vật biến đổi gen được cấp Giấy xác nhận phải đáp ứng một trong các điều kiện sau (khoản 1, 2 Điều 6 Thông tư 04/VBHN-BNNPTNT):

– Thực vật biến đổi gen được ít nhất 05 (năm) nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó.

– Thực vật biến đổi gen được Hội đồng an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đó đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và kết luận thực vật biến đổi gen đó không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khỏe của con người và vật nuôi.

Lưu ý: 

Các trường hợp khác bao gồm (khoản 3 Điều 6 Thông tư 04/VBHN-BNNPTNT):

– Trường hợp sự kiện thực vật biến đổi gen đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm thì sự kiện thực vật biến đổi gen đó được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi;

– Trường hợp thực vật mang sự kiện chuyển gen tổ hợp là kết quả của quá trình lai quy tụ bằng phương pháp lai tạo truyền thống từ hai hoặc nhiều sự kiện chuyển gen đơn lẻ đã được cấp Giấy xác nhận thì thực vật đó được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

3. Thu hồi giấy xác nhận

3.1. Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm bị xem xét thu hồi trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 10 Thông tư 04/VBHN-BNNPTNTkhoản 1 Điều 29 Nghị định 69/2010/NĐ-CP):

– Có bằng chứng khoa học mới về rủi ro của sinh vật biến đổi gen đã được cấp Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm;

– Tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp sai thông tin có tính chất quyết định cho việc cấp Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm;

– Có bằng chứng chứng minh kết luận của Hội đồng an toàn thực phẩm biến đổi gen là thiếu cơ sở khoa học.

3.2. Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi bị xem xét thu hồi trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 10 Thông tư 04/VBHN-BNNPTNTkhoản 1 Điều 34 Nghị định 69/2010/NĐ-CP):

– Có bằng chứng khoa học mới về rủi ro của sinh vật biến đổi gen đã được cấp Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi;

– Tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp sai thông tin có tính chất quyết định cho việc cấp Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi;

– Có bằng chứng chứng minh kết luận của Hội đồng an toàn thức ăn chăn nuôi biến đổi gen là thiếu cơ sở khoa học.

3.3. Thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận

Thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 04/VBHN-BNNPTNT như sau:

– Đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 29 và điểm a, điểm b khoản 1 Điều 34 của Nghị định 69/2010/NĐ-CP Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội đồng để thẩm định hồ sơ và xem xét việc thu hồi Giấy xác nhận;

– Đối với các trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29 và điểm c khoản 1 Điều 34 của Nghị định 69/2010/NĐ-CPVụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định.

Kết luận: 

Khi muốn sử dụng thực vật biến đổi gen làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, cá nhân, tổ chức cần quan tâm đến các quy định về việc đăng ký giấy xác nhận, thủ tục cấp và các trường hợp bị thu hồi theo Nghị định 69/2010/NĐ-CP, Nghị định 108/2011/NĐ-CP, Nghị định 38/2012/NĐ-CP, Thông tư 04/VBHN-BNNPTNT

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp, thu hồi giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi