18. Thông báo cam kết về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và đối với cơ sở thuộc Phụ lục III – ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP , ngày ngày 31/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy

Posted on

Đối với các phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và đối với các cơ sở thuộc Phụ lục III – ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP, pháp luật quy định phải thông báo cam kết về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Sau đây, Dữ liệu Pháp lý sẽ cụ thể hóa thủ tục này thông qua quy định của Nghị định 79/2014/NĐ-CP, Thông tư 66/2014/TT-BCA.

1. Đối tượng thực hiện thông báo cam kết về bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Khoản 2 Điều 10 Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy gồm tàu thủy, tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ.

Theo điểm d khoản 1 Điều 16 Nghị định 79/2014/NĐ-CP, khoản 2 Điều 9 Thông tư 66/2014/TT-BCA, đối với cơ sở quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới phải có văn bản thông báo với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

2. Thủ tục thông báo bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Khi thực hiện việc thông báo, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới phải nộp cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền 01 bộ hồ sơ, gồm có:

– Văn bản thông báo. (được thực hiện theo mẫu số PC06 ban hành kèm Thông tư 66/2014/TT-BCA)

– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Theo khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 10 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, các tài liệu đó bao gồm:

Đối với các cơ sở theo phụ lục III:

+ Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.

+ Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.

+ Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

+ Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

+ Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

+ Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

+ Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

+ Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.

Đối với các phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy:

– Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của phương tiện.

– Quy trình vận hành phương tiện; hệ thống điện, nhiên liệu; việc bố trí, sắp xếp người, vật tư, hàng hóa trên phương tiện phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

– Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới phải được học tập kiến thức về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình đào tạo cấp giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

– Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới có phụ cấp trách nhiệm theo quy định của pháp luật về chế độ tiền lương và phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và người điều khiển, người làm việc, người phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên và trên phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền cấp.

– Có phương tiện chữa cháy phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm của phương tiện, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

Lưu ý: Các điều kiện trên phải phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của phương tiện.

–  Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Theo khoản 3 Điều 9 Thông tư 66/2014/TT-BCA văn bản thông báo về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy có thể được gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy địa phương nơi trực tiếp quản lý cơ sở, phương tiện.

Lưu ý: Trong trường hợp cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới thuộc đối tượng phải thông báo nói trên cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng thì trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới phải có văn bản thông báo như lần đầu với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. (khoản 3 Điều 9 Thông tư 66/2014/TT-BCA)

Kết luận: Khi thông báo cam kết về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và đối với cơ sở thuộc Phụ lục III – ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, các đối tượng phải thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 79/2014/NĐ-CPThông tư 66/2014/TT-BCA.

 Chi tiết trình tự, thủ tục, biểu mẫu xem tại đây: Thông báo cam kết về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và đối với cơ sở thuộc Phụ lục III – ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy