5. Cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy
Để được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy, doanh nghiệp, cơ sở thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy cần biết những thông tin nào?. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. (khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001)
Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. (khoản 2 Điều 3 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001)
Kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm (khoản 6 Điều 1 Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013):
– Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát; tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật; thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy; tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy;
– Huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
– Kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy.
– Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy: Chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ hành nghề tư vấn thẩm định về phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ hành nghề tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy; Chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy. (điểm b khoản 2 Điều 43 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)
2. Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy
Theo Điều 44 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì:
– Văn bản đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC30);
– Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC31);
– Văn bằng, chứng chỉ có liên quan đến nội dung đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy;
– 02 ảnh màu, cỡ 3×4 cm của cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy.
Lưu ý: Các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy khi gửi cơ quan Công an là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu.
3. Hình thức nộp hồ sơ
Theo khoản 6 Điều 44 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 11 Điều này theo một trong các hình thức sau:
– Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
– Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
– Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
4. Điều kiện văn bằng chứng chỉ về phòng cháy và chữa cháy và điều kiện cấp chứng chỉ về phòng cháy và chữa cháy
Theo điểm b, c, d khoản 3 Điều 43 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì:
– Cá nhân để được cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế, thẩm định về phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng yêu cầu sau:
+ Có trình độ cao đẳng trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy;
+ Đã tham gia thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định về phòng cháy và chữa cháy ít nhất 03 dự án, công trình đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
– Cá nhân để được cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng yêu cầu sau:
+ Có trình độ cao đẳng trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy;
– Cá nhân để được cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng yêu cầu sau:
+ Có trình độ trung cấp trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ trung cấp trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy;
+ Đã tham gia thực hiện giám sát thi công ít nhất 03 dự án, công trình đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
+ Có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công.
Kết luận: Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy là một trong các văn bằng, chứng chỉ hành nghề cần thiết. Người đứng đầu doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của cơ sở thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy