4. Đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Posted on

Các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cần thực hiện thủ tục đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật Cạnh tranh 2018, Nghị định 35/2020/NĐ-CP, Nghị định 75/2019/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh (theo khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018).

Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018:

+ Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

+ Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.

+ Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.

+ Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.

+ Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

+ Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.

+ Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.

+ Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018:

+ Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật này.

+ Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 11 của Luật này.

+ Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật này khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

+ Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật này khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

2. Điều kiện miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm

Theo Điều 14 Luật Cạnh tranh 2018, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 bị cấm theo quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

– Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;

– Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế;

– Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;

– Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.

Lưu ý:

Thỏa thuận lao động, thỏa thuận hợp tác trong các ngành, lĩnh vực đặc thù được thực hiện theo quy định của luật khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.

3. Hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ

– Theo Điều 15 Luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp dự định tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hồ sơ bao gồm:

+ Đơn theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;

+ Dự thảo nội dung thỏa thuận giữa các bên;

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; bản sao Điều lệ của hiệp hội ngành, nghề đối với trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có sự tham gia của hiệp hội ngành, nghề;

+ Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;

+ Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng điều kiện miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm (xem mục 2) kèm theo chứng cứ để chứng minh;

+ Văn bản ủy quyền của các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm cho bên đại diện (nếu có).

– Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm (theo Điều 16 Luật Cạnh tranh 2018).

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo.

+ Khi kết thúc thời hạn mà bên được yêu cầu không sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung hồ sơ không đầy đủ theo yêu cầu thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ.

– Sau khi nhận được thông báo hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, bên nộp hồ sơ phải nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

– Hồ sơ được thụ lý kể từ thời điểm bên nộp hồ sơ hoàn thành nghĩa vụ nộp phí thẩm định hồ sơ.

Lưu ý:

– Doanh nghiệp nộp hồ sơ chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ. Tài liệu trong hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt (khoản 3 Điều 15 Luật Cạnh tranh 2018).

– Doanh nghiệp có quyền rút hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Đề nghị rút hồ sơ phải được lập thành văn bản và gửi đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Phí thẩm định hồ sơ không được hoàn lại cho doanh nghiệp rút hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ (Điều 19 Luật Cạnh tranh 2018).

– Sau khi thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu bên nộp hồ sơ bổ sung thông tin, tài liệu cần thiết khác có liên quan đến dự định thực hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Trường hợp bên được yêu cầu không bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét, quyết định trên cơ sở thông tin, tài liệu đã có (Điều 17 Luật Cạnh tranh 2018).

– Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm đang được đề nghị hưởng miễn trừ. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc tham vấn ý kiến, cơ quan, tổ chức, cá nhân được tham vấn có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về nội dung được tham vấn (Điều 18 Luật Cạnh tranh 2018).

4. Quyết định về việc hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm

– Theo Điều 20 Luật Cạnh tranh 2018, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định chấp thuận hoặc quyết định không chấp thuận cho các bên được hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của Luật này; trường hợp không chấp thuận cho các bên được hưởng miễn trừ phải nêu rõ lý do.

– Thời hạn ra quyết định về việc hưởng miễn trừ là 60 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn ra quyết định có thể được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia gia hạn nhưng không quá 30 ngày. Việc gia hạn phải được thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày hết thời hạn ra quyết định.

– Trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vi phạm quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn ra quyết định về việc hưởng miễn trừ, doanh nghiệp có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

– Theo Điều 21 Luật này, Quyết định hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ của các bên tham gia thỏa thuận;

+ Nội dung của thỏa thuận được thực hiện;

+ Điều kiện và nghĩa vụ của các bên tham gia thỏa thuận;

+ Thời hạn hưởng miễn trừ.

– Quyết định hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm phải được gửi cho các bên tham gia thỏa thuận trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

– Thời hạn hưởng miễn trừ không quá 05 năm kể từ ngày ra quyết định.

– Trong thời gian 90 ngày trước khi thời hạn hưởng miễn trừ kết thúc, theo đề nghị của các bên tham gia thỏa thuận, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét, quyết định việc tiếp tục hoặc không tiếp tục hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Trường hợp tiếp tục được hưởng miễn trừ thì thời hạn hưởng miễn trừ là không quá 05 năm kể từ ngày ra quyết định tiếp tục hưởng miễn trừ.

– Theo Điều 23 Luật này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định bãi bỏ quyết định hưởng miễn trừ trong các trường hợp sau đây:

+ Điều kiện được hưởng miễn trừ không còn;

+ Phát hiện có sự gian dối trong việc đề nghị hưởng miễn trừ;

+ Doanh nghiệp được hưởng miễn trừ vi phạm các điều kiện, nghĩa vụ để được hưởng miễn trừ trong quyết định hưởng miễn trừ;

+ Quyết định hưởng miễn trừ dựa trên thông tin, tài liệu không chính xác về điều kiện được hưởng miễn trừ.

– Trường hợp điều kiện được hưởng miễn trừ không còn, bên được hưởng miễn trừ có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để ra quyết định bãi bỏ quyết định hưởng miễn trừ.

– Quyết định bãi bỏ quyết định hưởng miễn trừ phải được gửi cho các bên tham gia thỏa thuận trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

5. Lưu ý chung

– Các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đáp ứng điều kiện được hưởng miễn trừ chỉ được thực hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau khi có quyết định hưởng miễn trừ theo quy định (xem mục 4).

– Các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được hưởng miễn trừ phải thực hiện đúng quyết định hưởng miễn trừ (theo Điều 22 Luật Cạnh tranh 2018).

– Từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thuộc trường hợp được miễn trừ theo quy định tại Điều 14 của Luật Cạnh tranh 2018 trước khi có quyết định cho hưởng miễn trừ của Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh, khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (theo Điều 24 Nghị định 75/2019/NĐ-CP).

Kết luận: Doanh nghiệp đề nghị miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cần lưu ý  quy định tại Luật Cạnh tranh 2018, Nghị định 35/2020/NĐ-CP, Nghị định 75/2019/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh