8. Công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

Posted on

Công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp là thủ tục phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp những nội dung cụ thể theo Nghị định 40/2018/NĐ-CPThông tư 10/2018/TT-BCT như sau:

1. Khái niệm

Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp (khoản 3 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP).

Theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 40/2018/NĐ-CP:

– Chương trình đào tạo cơ bản là chương trình đào tạo bắt buộc dành cho người tham gia bán hàng đa cấp.

– Nội dung đào tạo cơ bản bao gồm các nội dung sau:

a) Pháp luật về bán hàng đa cấp;

b) Các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động bán hàng đa cấp;

c) Các nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động và kế hoạch trả thưởng;

d) Cơ chế đánh giá việc hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản phù hợp với nội dung và phương thức đào tạo.

2. Đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp

– Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp theo chương trình đào tạo cơ bản đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và không được thu phí dưới bất kỳ hình thức nào.

– Người tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm tham gia và nắm bắt đầy đủ các nội dung của chương trình đào tạo cơ bản.

– Chương trình đào tạo cơ bản có thể được thực hiện thông qua các phương thức đảm bảo khả năng tương tác trong quá trình đào tạo, bao gồm: Đào tạo trực tiếp; đào tạo từ xa.

– Doanh nghiệp có trách nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp và xác nhận bằng văn bản về việc hoàn thành nội dung và thời lượng chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp.

– Doanh nghiệp có trách nhiệm lưu trữ các tài liệu liên quan đến hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm thời gian, cách thức, địa điểm (nếu có) và kết quả đào tạo (theo Điều 32 Nghị định 40/2018/NĐ-CP).

Lưu ý:

– Chỉ những người được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ định làm Đào tạo viên mới được thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó.

– Khi có thay đổi liên quan tới nội dung đào tạo cơ bản, doanh nghiệp có trách nhiệm đào tạo bổ sung hoặc thông báo cho người tham gia bán hàng đa cấp qua trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thay đổi.

3. Đào tạo viên

– Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm chỉ định Đào tạo viên để thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp mình.

Điều kiện đối với Đào tạo viên:

+ Đã được cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp theo quy định;

+ Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

– Những trường hợp sau không đủ điều kiện trở thành Đào tạo viên:

+ Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;

+ Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật;

+ Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;

+ Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP;

+ Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (theo Điều 34 Nghị định 40/2018/NĐ-CP).

Lưu ý:

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm:

– Lập danh sách Đào tạo viên, lưu trữ hồ sơ kèm theo, công bố danh sách Đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương.

– Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm cập nhật danh sách Đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi có thay đổi trong danh sách Đào tạo viên.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động của Đào tạo viên trong quá trình thực hiện đào tạo cơ bản.

4. Nội dung đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

– Nội dung đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp bao gồm:

+ Quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, pháp luật về quảng cáo, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

+ Các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động bán hàng đa cấp (khoản 1 Điều 35 Nghị định 40/2018/NĐ-CP).

Chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp phải được Bộ Công thương công nhận (khoản 2 Điều 35 Nghị định này).

– Khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp (sau đây gọi là chương trình đào tạo) do cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp ban hành phải đảm bảo các nội dung sau đây (Điều 3 Thông tư 10/2018/TT-BCT):

– Thời lượng đào tạo: tối thiểu 08 tiếng;

– Khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp được quy định theo mẫu Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Lưu ý

– Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp theo chương trình đào tạo cơ bản đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và không được thu phí dưới bất kỳ hình thức nào.

– Quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp có thời hạn hiệu lực 03 năm kể từ ngày ký.

– Bộ Công Thương thu hồi, đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp trong các trường hợp sau: Cơ sở đào tạo bị giải thể; cơ sở đào tạo không khắc phục được sai phạm trong thời gian tạm đình chỉ hoặc các sai phạm không thể khắc phục được.

6. Xử phạt vi phạm

– Hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về việc lập danh sách đào tạo viên, lưu giữ hồ sơ kèm theo, công bố danh sách đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về việc cập nhật danh sách đào tạo viên trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và thông báo tới Bộ Công Thương khi có thay đổi trong danh sách đào tạo viên bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (theo điểm g, h khoản 8 Điều 92 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Điều 2 Nghị định 141/2018/NĐ-CP).

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật hoặc thu phí đào tạo cơ bản đối với người tham gia bán hàng đa cấp; Chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện để thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp mình bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 141/2018/NĐ-CP).

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp