5. Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên

Posted on

Lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu được sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên được cấp, cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Nghị định 115/2018/NĐ-CP, Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT.

1. Khái niệm

Lô hàng sản xuất: là một lượng sản phẩm được sản xuất từ một hay nhiều lô nguyên liệu có cùng nguồn gốc xuất xứ, theo cùng một quy trình công nghệ, cùng điều kiện sản xuất (có cùng các yếu tố tác động đến điều kiện bảo đảm ATTP) trong thời gian không quá 24 giờ tại một Cơ sở (khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT).

Lô hàng sản xuất phải đảm bảo cùng nguồn gốc xuất xứ từ cùng cơ sở cung cấp nguyên liệu (một bước ngay trước khi đưa vào nhà máy chế biến):

– Đối với nguyên liệu trong nước: cùng một cơ sở, đại lý cung cấp nguyên liệu

– Đối với nguyên liệu nhập khẩu: cùng một cơ sở sản xuất tại nước nhập khẩu

– Đối với sản phẩm phối chế: từng thành phần nguyên liệu trong sản phẩm do cùng một cơ sở cung cấp.

Lô hàng sản xuất phải cùng điều kiện sản xuất, tức là cùng các yếu tố tác động đến điều kiện bảo đảm ATTP như: cùng quy trình công nghệ, cùng dây chuyền sản xuất… (Điểm 2 Công văn 2374/QLCL-CL1 năm 2013)

Lô hàng xuất khẩu: là lượng hàng được chủ hàng đăng ký thẩm định, chứng nhận để xuất khẩu một lần cho một nhà nhập khẩu trên một phương tiện vận chuyển. (khoản 3 Điều 3 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT sửa đổi Điểm a Khoản 23 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT)

Thực phẩm thủy sản: là sản phẩm thủy sản mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. (khoản 5 Điều 3 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT)

Sản xuất thực phẩm thủy sản: là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm thủy sản. (khoản 6 Điều 3 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT).

Thông tư 48/2013/-BNNPTNT quy định hồ sơ, thủ tục và thẩm quyền kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực phẩm thủy sản xuất khẩu (sau đây gọi là Chứng thư) vào các thị trường mà Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu yêu cầu lô hàng xuất khẩu được kiểm tra, cấp Chứng thư của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (khoản Điều 1 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT).

2. Danh sách ưu tiên

2.1 Danh sách ưu tiên là danh sách các Cơ sở có lịch sử bảo đảm ATTP tốt (đáp ứng các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 22 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT) và được áp dụng hình thức chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo quy định tại Mục 2 Chương 3 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT (khoản 1 Điều 22 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT).

2.2 Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lập danh sách ưu tiên đối với các Cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau đây tính đến thời điểm xem xét (khoản 1 Điều 22 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BNNPTNT):

Cơ sở có tên trong danh sách các Cơ sở tham gia chương trình chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo từng thị trường xuất khẩu;

– Cơ sở có lô hàng xuất khẩu và không có lô hàng nào bị Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam và thị trường nhập khẩu phát hiện vi phạm về ATTP trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng kể từ ngày Cơ sở được phân loại điều kiện bảo đảm ATTP là hạng 1, 2.

2.3 Cơ sở bị đưa ra khỏi danh sách ưu tiên trong các trường hợp sau (khoản 3 Điều 22 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT):

– Cơ sở không duy trì điều kiện bảo đảm ATTP, bị xuống hạng 3 hoặc hạng 4;

– Cơ sở không được cấp Chứng thư theo quy định tại điểm b, c Điều 26 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT.

Lưu ý:

Cơ sở được đưa trở lại danh sách ưu tiên sau khi đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 2 Điều 22 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT (khoản 4 Điều 22 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT).

3. Cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (Chứng thư) cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên

3.1 Hình thức chứng nhận đối với lô hàng xuất khẩu (Điều 23 Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi Điểm c Khoản 23 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT)

Đối với lô hàng xuất khẩu được sản xuất tại Cơ sở trong Danh sách ưu tiên:

– Cơ quan thẩm định cấp Chứng thư dựa trên kết quả lấy mẫu thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy ATTP theo thủ tục nêu tại Mục 2 Chương 3 Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT.

– Trường hợp Cơ sở đề nghị kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu, Cơ quan thẩm định thực hiện theo thủ tục nêu tại Mục 3 Chương 3 Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT.

Đối với lô hàng xuất khẩu được sản xuất tại Cơ sở ngoài Danh sách ưu tiên: Cơ quan thẩm định cấp Chứng thư dựa trên kết quả thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu theo thủ tục nêu tại Mục 3 Chương 3 Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT.

3.2 Yêu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu (Điều 24 Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi Điểm c Khoản 23 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT)

Được sản xuất tại Cơ sở có tên trong danh sách các Cơ sở tham gia chương trình chứng nhận xuất khẩu theo từng thị trường.

Đáp ứng các quy định về ghi nhãn các thông tin bắt buộc theo quy định của thị trường nhập khẩu, không làm sai lệch bản chất của hàng hóa và không vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đối với sản phẩm được sơ chế, chế biến từ các Cơ sở khác nhau:

+ Cơ sở thực hiện công đoạn sản xuất cuối cùng (bao gói, ghi nhãn sản phẩm) phải có tên trong danh sách các Cơ sở tham gia chương trình chứng nhận xuất khẩu theo từng thị trường;

+ Cơ sở thực hiện các công đoạn sản xuất trước đó phải đáp ứng các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP của Việt Nam và thị trường nhập khẩu tương ứng;

+ Các Cơ sở tham gia sơ chế, chế biến lô hàng có văn bản cam kết cùng chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý của Cơ quan thẩm định trong trường hợp lô hàng bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo hoặc Cơ quan thẩm định phát hiện có vi phạm về ATTP;

+ Các Cơ sở tham gia sản xuất lô hàng có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ hồ sơ sản xuất và kiểm soát ATTP đối với các công đoạn sản xuất do Cơ sở thực hiện, bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

3.3 Quy định đối với Chứng thư (Điều 25 Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT)

– Mỗi lô hàng xuất khẩu được cấp 01 (một) Chứng thư.

– Chứng thư chỉ có giá trị đối với lô hàng được vận chuyển, bảo quản trong điều kiện không làm thay đổi nội dung đã được chứng nhận về ATTP.

– Chứng thư có nội dung, hình thức phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu tương ứng và được đánh số theo quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT.

3.4 Cơ sở không được cấp Chứng thư cho lô hàng xuất khẩu (Điều 26 Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi Khoản 13, khoản 14 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT)

3.4.1 Cơ quan thẩm định không cấp Chứng thư cho các lô hàng xuất khẩu được sản xuất tại các Cơ sở sau (khoản 1 Điều 26 Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT):

– Cơ sở bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu yêu cầu tạm dừng nhập khẩu

– Cơ sở có kết quả thẩm định điều kiện ATTP xếp hạng 4

– Cơ sở bị tạm đình chỉ sản xuất theo quy định tại Điều 30, Điều 33 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hoặc các quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính về ATTP.

3.4.2 Cơ sở nêu tại khoản 1 Điều này tiếp tục được cấp Chứng thư khi đáp ứng các điều kiện sau (khoản 2 Điều 26 Thông tư 48 2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT):

– Cơ sở đã thực hiện các biện pháp khắc phục theo yêu cầu của Cơ quan thẩm định và được Cơ quan thẩm định thẩm tra và xác nhận hiệu quả của các biện pháp khắc phục đã thực hiện;

– Đối với cơ sở nêu tại điểm b khoản 1 Điều này phải có kết quả thẩm định ATTP đạt yêu cầu;

– Ngoài ra, Cơ sở nêu tại điểm a khoản 1 Điều này phải được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản thông báo và được Cơ quan thẩm quyền quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu dỡ bỏ tạm dừng nhập khẩu

4. Cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên

4.1 Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên

– Khi Chứng thư bị thất lạc, hư hỏng, Chủ hàng có văn bản đề nghị cấp lại Chứng thư trong đó nêu rõ lý do gửi Cơ quan thẩm định bằng một trong các hình thức như: Gửi trực tiếp, gửi theo đường bưu điện; hoặc fax, thư điện tử (khoản 1 Điều 33 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT)

4.2 Quy trình cấp lại chứng thư (Điều 33 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT)

Cơ quan thẩm định cấp lại Chứng thư trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của Chủ hàng và bảo đảm các yêu cầu sau:

– Chứng thư cấp lại có nội dung chính xác với nội dung của Chứng thư đã cấp cho lô hàng tương ứng;

– Chứng thư cấp lại được đánh số mới theo quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT có ghi chú: “Chứng thư này thay thế cho Chứng thư số …, cấp ngày …”.

5. Xử phạt vi phạm hành chính

 Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm xuất khẩu: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong xuất khẩu thực phẩm (khoản 1 Điều 19 Nghị dịnh 115/208/NĐ-CP).

Kết luận: Cơ sở sản xuất, cá nhân sẽ được Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên theo quy định của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên

Cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên