16. Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động

Posted on

Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Việt Nam cung ứng lao động sang nước ngoài thông qua Hợp đồng cung ứng lao động. Khi đó doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp cần đăng ký hợp đồng cung ứng lao động. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH, Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH, Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC.

1. Một số vấn đề chung

Hợp đồng cung ứng lao động là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Việt Nam với bên nước ngoài về điều kiện, nghĩa vụ của các bên trong việc cung ứng và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (khoản 2 Điều 3 Luật người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2006).

– Hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động và có những nội dung chính sau (Điều 5 Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH):

+ Thông tin về các bên tham gia ký kết hợp đồng bao gồm: Tên đầy đủ, tên giao dịch của bên tham gia ký kết hợp đồng; Đại diện của các bên; Địa chỉ đăng ký kinh doanh hay địa chỉ giao dịch; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Mã số doanh nghiệp, ngày cấp (nếu có), mã số thuế, số tài khoản; Điện thoại, fax, email; các thông tin liên quan khác.

+ Các nội dung về điều kiện cung ứng, tiếp nhận lao động: số lượng lao động sẽ cung ứng/tiếp nhận; ngành, nghề, công việc phải làm; Địa điểm làm việc; Thời hạn làm việc; Điều kiện, môi trường làm việc; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; An toàn và bảo hộ lao động; Tiền lương, tiền công, các chế độ khác và tiền thưởng (nếu có); tiền làm thêm giờ; Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt; Chế độ khám bệnh, chữa bệnh; Chế độ bảo hiểm; Trách nhiệm trả chi phí giao thông từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; Điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí đưa lao động về nước và các điều kiện liên quan khác.

Trường hợp hợp đồng cung ứng lao động chỉ là hợp đồng chính thì các nội dung quy định tại khoản này phải được thể hiện cụ thể trong các phụ lục của hợp đồng.

+ Quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng

Trong hợp đồng phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng trong việc tổ chức tuyển chọn, đào tạo lao động trước xuất cảnh, làm các thủ tục đưa và tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, giải quyết phát sinh khi người lao động làm việc ở nước ngoài.

+ Tiền môi giới (nếu có)

Trong Hợp đồng phải quy định cụ thể mức tiền môi giới, trách nhiệm thanh toán tiền môi giới (nếu có), đồng tiền dùng để thanh toán tiền môi giới, lộ trình thanh toán tiền môi giới (tiến độ, thời điểm, phương thức thanh toán).

+ Giải quyết tranh chấp

Tranh chấp giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Việt Nam với bên nước ngoài được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận đã ký.

Các tranh chấp chưa được thỏa thuận trong hợp đồng thì lựa chọn áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam hoặc quy định của pháp luật nước tiếp nhận lao động hoặc quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để giải quyết.

+ Thời hạn hợp đồng và gia hạn hợp đồng

Trong hợp đồng phải quy định cụ thể thời hạn của hợp đồng và điều kiện gia hạn hợp đồng.

+ Chấm dứt hợp đồng cung ứng lao động trước thời hạn

Trong hợp đồng, các bên phải thỏa thuận, quy định cụ thể về: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; Trình tự thủ tục chấm dứt hợp đồng bởi các bên; Trách nhiệm của các bên sau khi chấm dứt hợp đồng; Quyền của người lao động đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Lưu ý:

– Hợp đồng cung ứng lao động phải được đăng ký với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Hợp đồng cung ứng lao động có hiệu lực sau khi được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận.

– Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do (Điều 18 Luật người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2006).

2. Tiền môi giới (mục II Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC)

2.1. Định nghĩa

Tiền môi giới là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Tiền môi giới không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng mới.

– Các doanh nghiệp không được thu tiền môi giới của người lao động đối với những thị trường, những hợp đồng mà bên đối tác nước ngoài không có yêu cầu về tiền môi giới.

2.2. Mức tiền môi giới

Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/ người lao động cho một năm hợp đồng. Trường hợp do yêu cầu của thị trường đòi hỏi mức tiền môi giới cao hơn mức trần quy định thì doanh nghiệp báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức tiền môi giới cho phù hợp sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính;

– Doanh nghiệp đàm phán, quyết định mức tiền môi giới phù hợp với từng hợp đồng nhưng không vượt quá mức quy định trên;

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định cụ thể mức tiền môi giới người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp phù hợp với từng thị trường;

Tiền lương (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương cơ bản theo hợp đồng không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan, thuyền viên tàu vận tải biển, tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương bao gồm tiền lương cơ bản và tiền lương phép.

2.3. Loại tiền thu nộp và tỷ giá áp dụng

– Doanh nghiệp thu tiền môi giới do người lao động hoàn trả bằng đồng Việt Nam.

Tỷ giá áp dụng: Nếu tiền môi giới được tính trên cơ sở đồng đô là Mỹ thì áp dụng tỷ giá giao dịch bình quân của đồng đô la Mỹ so với đồng Việt Nam trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu nộp. Nếu tiền môi giới được tính trên cơ sở các loại ngoại tệ khác thì áp dụng tỷ giá tính chéo giữa đồng đô la Mỹ so với ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tại thời điểm thu nộp.

2.4. Quản lý và sử dụng tiền môi giới

– Tiền môi giới phải được thể hiện trong hợp đồng cung ứng lao động hoặc hợp đồng riêng về tiền môi giới được ký giữa doanh nghiệp và bên môi giới;

– Tiền môi giới phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng được hưởng. Nếu lợi dụng quy định về tiền môi giới để thu, chi sai mục đích, không đúng đối tượng, trục lợi thì người ra quyết định thu, chi phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;

Phần tiền môi giới mà người lao động hoàn trả (nếu có) phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp thu một lần tiền môi giới của người lao động trước khi người lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Khi thu tiền môi giới của người lao động, doanh nghiệp phải cấp biên lai thu tiền cho người lao động. Khoản tiền môi giới mà người lao động hoàn trả không tính vào doanh thu của doanh nghiệp và doanh nghiệp không phải nộp thuế;

Phần tiền môi giới mà doanh nghiệp chi (nếu có) được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

2.5. Hoàn trả tiền môi giới

– Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

– Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

3. Phạt vi phạm hành chính

– Phạt tiền đối với hành vi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người đã đăng ký theo Hợp đồng cung ứng lao động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo một trong các mức sau (khoản 2 Điều 41 Nghị định 28/2020/NĐ-CP):

+ Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi vượt quá số lượng đăng ký từ 01 đến 10 người;

+ Từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng khi vượt quá số lượng đăng ký từ 11 đến 50 người;

+ Từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng khi vượt quá số lượng đăng ký trên 50 người.

– Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi đưa người lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động hoặc đã đăng ký nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 06 tháng đến 12 tháng theo khoản 4, 5 Điều 41 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Kết luận: Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đăng ký hợp đồng cung ứng lao động cần tuân thủ quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC, Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động