17. Đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập thời hạn trên 90 ngày, dưới 90 ngày

Posted on

Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề cần đăng ký Hợp đồng nhận lao động thực tập thời hạn trên 90 ngày, dưới 90 ngày. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Nghị định 38/2020/NĐ-CP, Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH.

1. Một số vấn đề chung

– Doanh nghiệp được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề khi có đủ các điều kiện sau (Điều 34 Luật người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2006):

+ Có hợp đồng với cơ sở thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (sau đây gọi là Hợp đồng nhận lao động thực tập) đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Có Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (sau đây gọi là Hợp đồng đưa người lao động đi thực tập; người lao động được doanh nghiệp đưa đi thực tập nâng cao tay nghề phải có Hợp đồng lao động với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động;

+ Ngành, nghề người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề phải phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

+ Có tiền ký quỹ thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định của Chính phủ.

2. Hợp đồng nhận lao động thực tập

Theo các khoản 1, 2 Điều 35 Luật người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2006:

– Hợp đồng nhận lao động thực tập là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp với cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc cung ứng và tiếp nhận người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

– Hợp đồng nhận lao động thực tập phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động thực tập và có những nội dung chính sau đây:

+ Thời hạn thực tập;

+ Số lượng người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; ngành, nghề thực tập;

+ Địa điểm thực tập;

+ Điều kiện, môi trường thực tập;

+ Thời giờ thực tập, thời giờ nghỉ ngơi;

+ An toàn và bảo hộ lao động;

+ Tiền lương, thu nhập;

+ Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt;

+ Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;

+ Chế độ bảo hiểm xã hội;

+ Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

+ Trách nhiệm trả chi phí giao thông từ Việt Nam đến nơi thực tập và ngược lại;

+ Trách nhiệm của các bên trong trường hợp người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

+ Giải quyết tranh chấp;

+ Trách nhiệm giúp đỡ người lao động gửi tiền về nước.

Lưu ý:

– Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian từ chín mươi ngày trở lên đăng ký tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian từ chín mươi ngày trở lên đăng ký tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do (Điều 36 Luật người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2006).

3. Tiền ký quỹ

3.1. Khái niệm

Theo Điều 15 Nghị định 38/2020/NĐ-CP:

– Tiền ký quỹ của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

– Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề thực hiện việc ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng thương mại.

– Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp ký kết hợp đồng ký quỹ phù hợp với nội dung quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Ngân hàng nhận ký quỹ xác nhận việc doanh nghiệp ký quỹ tại ngân hàng theo Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

3.2. Mức tiền ký quỹ

Mức tiền ký quỹ của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề bằng 10% tiền vé máy bay một lượt hạng phổ thông tại thời điểm doanh nghiệp ký quỹ từ nước mà người lao động đến làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập đã đăng ký (Điều 16 Nghị định 38/2020/NĐ-CP).

3.3. Sử dụng, tất toán tài khoản tiền ký quỹ

Theo Điều 17 Nghị định 38/2020/NĐ-CP:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền sử dụng tiền ký quỹ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; xác nhận để ngân hàng hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản cho doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề theo Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian dưới 90 ngày.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có quyền sử dụng tiền ký quỹ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; xác nhận để ngân hàng hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản cho doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề theo Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian từ 90 ngày trở lên.

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu ngân hàng cho rút tiền ký quỹ hoặc trích tài khoản tiền ký quỹ của doanh nghiệp để để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

Lưu ý:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày rút tiền ký quỹ hoặc trích tài khoản tiền ký quỹ của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nộp bổ sung cho đủ mức ký quỹ quy định. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, ngân hàng có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Phạt vi phạm hành chính

– Phạt tiền đối với hành vi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người đã đăng ký theo Hợp đồng nhận lao động thực tập đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo một trong các mức sau (khoản 2 Điều 41 Nghị định 28/2020/NĐ-CP):

+ Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi vượt quá số lượng đăng ký từ 01 đến 10 người;

+ Từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng khi vượt quá số lượng đăng ký từ 11 đến 50 người;

+ Từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng khi vượt quá số lượng đăng ký trên 50 người.

– Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi đưa người lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký Hợp đồng nhận lao động thực tập hoặc đã đăng ký nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 06 tháng đến 12 tháng theo khoản 4, 5 Điều 41 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Kết luận: Doanh nghiệp đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập thời hạn trên 90 ngày cần lưu ý các quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Nghị định 38/2020/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập thời hạn trên 90 ngày, dưới 90 ngày