10. Phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động

Posted on

Tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động gồm danh hiệu anh hùng lao động và danh hiệu anh hùng trong ngành y tế, được quy định riêng với cá nhân hoặc tập thể. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Quyết định 38/1999/QĐ-TTg, Thông tư 16/1999/TT-BYT, Nghị định 91/2017/NĐ-CP.

1. Đối tượng

Công dân Việt Nam hay người nước ngoài, kể cả người đã hy sinh hay từ trần, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp, thành phần xã hội, nơi cư trú; tập thể trong nước hay ngoài nước, doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế có công đặc biệt xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đủ tiêu chuẩn quy định tại phần II dưới đây đều được tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động hoặc Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Phần A Quyết định 38/1999/QĐ-TTg).

2. Tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động

Tiêu chuẩn chung đối với anh hùng

– Trung thành với tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội. Có hành vi anh hùng (dám nghĩ, dám làm) lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động chân tay hoặc lao động trí óc, trong chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Tiêu biểu cho thành tích thi đua yêu nước của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Là tấm gương mẫu mực về mọi mặt của đơn vị, địa phương, của ngành; được đồng nghiệp, đơn vị và nhân dân địa phương thừa nhận, suy tôn (Mục I Phần B Quyết định 38/1999/QĐ-TTg)

Tiêu chuẩn danh hiệu anh hùng lao động

Căn cứ Mục II Phần B Quyết định 38/1999/QĐ-TTg thì:

Tiêu chuẩn đối với cá nhân:

– Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo, dũng cảm, quên mình đạt năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công tác cao nhất tỉnh, thành phố và ngành (cùng tính chất công việc và cùng ngành, nghề); đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đơn vị, địa phương, ngành và đất nước.

– Có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới : có sáng kiến cải tiến hoặc giải pháp có giá trị, có sản phẩm, công trình khoa học, hoặc có tác phẩm sáng tạo văn học và nghệ thuật nổi tiếng, có giá trị đặc biệt; được ứng dụng trong sản xuất, công tác đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội.

– Có trình độ chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo cho đồng nghiệp và thế hệ trẻ, hoặc trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho địa phương, cho ngành.

– Có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, thực hành cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Nêu cao tinh thần hợp tác tương trợ; là hạt nhân xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong tập thể. Là tấm gương trong xây dựng cuộc sống gia đình có văn hóa.

Tiêu chuẩn đối với tập thể:

– Là tập thể tiêu biểu đi đầu tỉnh, hoặc nhiều tỉnh trong cùng khu vực hoặc đi đầu ngành toàn quốc về các mặt : năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, ngành và đất nước.

– Đi đầu trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái.

– Đi đầu trong việc bồi dưỡng, đào tạo trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công nhân viên chức và lao động là điển hình về công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để các tập thể khác noi theo.

– Đi đầu trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước:

+ Triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tập thể đoàn kết nhất trí, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, tổ chức chính quyền đoàn thể vững mạnh toàn diện.

+ Quản lý tốt tiền vốn, tài sản, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên chức và lao động trong đơn vị.

+ Tập thể được chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương tin tưởng và ca ngợi.

3. Tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng lao động trong ngành y tế

Căn cứ Mục II Phần A Thông tư 16/1999/TT-BYT thì:

Tiêu chuẩn chung:

Trung thành với Tổ quốc, với Chủ nghĩa xã hội, có hành vi anh hùng (dám nghĩ, dám làm) lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực công tác được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân tiêu biểu cho thành tích thi đua yêu nước của ngành y tế trong thời kỳ đổi mới, là tấm gương mẫu mực về mọi mặt của đơn vị, địa phương, của ngành y tế. Thành tích của đơn vị hoặc của cá nhân đó phải được đồng nghiệp, đơn vị, địa phương, ngành y tế thừa nhận và suy tôn.

Tiêu chuẩn cụ thể:

Đối với cá nhân:

– Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dũng cảm, sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn của đơn vị, của bản thân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đơn vị, ngành y tế giao cho với năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác cao nhất so với các đơn vị cùng hệ chuyên môn, xuất sắc của ngành y tế, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành, của địa phương và đơn vị.

– Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học hoặc phát minh, sáng kiến có giá trị lớn (được cấp bằng lao động sáng tạo hoặc các giải thưởng về khoa học), áp dụng tiến bộ khoa học trong nước và nước ngoài vào nền y học Việt Nam đem lại hiệu quả có giá trị thiết thực trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân hoặc trong sản xuất, được ngành y tế, Nhà nước hoặc quốc tế đánh giá cao và khâm phục hoặc có những giải pháp hữu hiệu thực hiện tốt định hướng chiến lược của ngành y tế đến năm 2000 và 2010.

– Có trình độ chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ y, dược, thiết bị y tế… cho đồng nghiệp và thế hệ trẻ hoặc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho đồng nghiệp, địa phương, ngành.

– Có ý thức tổ chức kỷ luật, phát huy tính tự lực, cần kiệm liêm chính, có lối sống lành mạnh. Có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc, tôn trọng và giúp đỡ đồng nghiệp. Có tinh thần thật thà đoàn kết với mọi người, thương yêu người bệnh, thực hiện mẫu mực đạo đức của người cán bộ y tế (12 Điều y đức) là gương sáng về đạo đức nghề nghiệp được nhân dân, đồng nghiệp tôn trọng và quý mến.

Đối với tập thể:

– Là tập thể có thành tích tiêu biểu đi đầu trong lĩnh vực Khám chữa bệnh, Y tế dự phòng, trang thiết bị y tế, Y học dân tộc, dược… về năng suất, chất lượng, biện pháp quản lý, kinh doanh, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế hoặc hiệu quả phục vụ sức khoẻ nhân dân một cách xuất sắc, được các đơn vị trong khu vực, trong ngành y tế suy tôn, học tập.

– Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học tập thể hoặc cá nhân, phát minh, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến, mang lại hiệu quả cao, có giá trị trong công tác KCB, trong sản xuất thuốc, trang thiết bị, trong công tác y tế dự phòng, trong quản lý, trong phong trào xanh sạch đẹp, được ngành y tế và đồng nghiệp thừa nhận.

– Là tập thể đoàn kết thống nhất, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng trong sạch và vững mạnh. Tổ chức chính quyền quản lý giỏi, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên có nhiều kinh nghiệm và biện pháp vận động quần chúng; chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ; có đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

– Đi đầu trong việc triển khai và chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các mặt: Quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả tiền vốn, tài sản. Đảm bảo trật tự, vệ sinh, an toàn trong cơ quan, đơn vị. Chăm lo tốt đời sống tinh thần và vật chất cho công chức và người lao động. Có phòng trào thi đua, phong trào văn nghệ, thể thao sôi nổi, liên tục. Tập thể đó phải có uy tín với ngành, với địa phương. Được chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương tin tưởng và ca ngợi.

Đối với những người có thành tích đột xuất:

Ngoài những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể nói trên, nếu cá nhân hoặc đơn vị nào trong ngành y tế có thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc, những hành động dũng cảm, sáng tạo, mưu trí, dám hy sinh thân mình bảo vệ tính mạng, tài sản của tập thể, của nhân dân, của bệnh nhân, nêu tấm gương sáng cho ngành, cho địa phương học tập. Hành động dũng cảm đó được mọi người khâm phục, ca ngợi thì cũng được ngành y tế xem xét đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Đối với cá nhân và tập thể người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực y, dược, trang thiết bị y tế tại Việt Nam nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp phát triển y tế Việt Nam, đủ tiêu chuẩn Anh hùng lao động được quy định tại Quyết định 38/1999/QĐ-TTg ngày 5/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ thì cũng được Bộ Y tế xem xét đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

4. Mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước

Căn cứ khoản 2 Điều 71 Nghị định 91/2017/NĐ-CP thì:

Cá nhân được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” được tặng Bằng, Huy hiệu và được thưởng 15,5 lần mức lương cơ sở.

Tập thể được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” được tặng Bằng, Huy hiệu và kèm theo mức tiền thưởng gấp hai lần mức tiền thưởng đối với cá nhân.

5. Trách nhiệm của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng

Theo Điều 7 Nghị định 91/2017/NĐ-CP thì:

Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, 5 năm và nhiệm vụ chính trị được giao để tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua và kiểm tra việc thực hiện; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.

– Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tổ chức phát động và chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn quốc.

Kết luận: Mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự cho danh hiệu anh hùng lao động được quy định thông qua Quyết định 38/1999/QĐ-TTg, Thông tư 16/1999/TT-BYT, Nghị định 91/2017/NĐ-CP.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Phong tặng danh hiệu anh hùng lao động