4. Thông báo hàng hóa mới niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa

Posted on

Hàng hóa được phép mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa tùy theo từng trường hợp mà việc Thông báo hàng hóa mới niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa sẽ có những điều kiện khác biệt. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về vấn đề này theo quy định Luật Thương mại 2005, Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Nghị định 51/2018/NĐ-CP như sau:

1. Khái niệm

Sở Giao dịch hàng hóa là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và quy định của Nghị định 158/2006/NĐ-CP (khoản 6 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP).

Sở Giao dịch hàng hoá có các chức năng sau đây (khoản 1 Điều 67 Luật Thương mại 2005):

– Cung cấp các điều kiện vật chất – kỹ thuật cần thiết để giao dịch mua bán hàng hoá;

– Điều hành các hoạt động giao dịch;

– Niêm yết các mức giá cụ thể hình thành trên thị trường giao dịch tại từng thời điểm.

Danh mục hàng hóa được giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa được quy định tại Quyết định 4361/QĐ-BCT năm 2010.

2. Quyền hạn và trách nhiệm của Sở Giao dịch hàng hóa

a. Quyền hạn

Theo Điều 15 Nghị định 158/2006/NĐ-CP, khoản 15 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP, Sở Giao dịch hàng hóa có các quyền sau:

– Lựa chọn loại hàng hoá trong danh mục hàng hoá được quy định tại Điều 32 Nghị định này để tổ chức giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.

– Tổ chức, điều hành và quản lý hoạt động giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.

– Chấp thuận, huỷ bỏ tư cách thành viên theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.

– Yêu cầu các thành viên kinh doanh ký quỹ đảm bảo tư cách thành viên, ký quỹ giao dịch theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.

– Thu phí thành viên, phí giao dịch, phí cung cấp dịch vụ thông tin và các loại phí dịch vụ khác theo Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa và theo quy định của pháp luật.

– Kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch và công bố thông tin của các thành viên.

– Yêu cầu các thành viên thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro được quy định trong Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.

– Chỉ định thành viên kinh doanh khác thực hiện các hợp đồng đang được nắm giữ bởi một thành viên kinh doanh bị chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.

– Làm trung gian hoà giải theo yêu cầu khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.

– Thực hiện các quyền khác theo quy định của Nghị định này, Điều lệ hoạt động và theo quy định của pháp luật.

– Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có quyền liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định này

b. Trách nhiệm

– Tổ chức hoạt động mua bán hàng hoá đúng với quy định của Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.

– Tổ chức các giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa một cách công bằng, trật tự và hiệu quả.

– Công bố Điều lệ hoạt động, Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa đã được Bộ trưởng Bộ Công thương phê chuẩn, cấp, sửa đổi, bổ sung; công bố danh sách và các thông tin về thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa; công bố thông tin về các giao dịch và lệnh giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa và các thông tin khác theo Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.

– Thực hiện việc báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Thương mại về các thông tin liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa và danh sách thành viên tại thời điểm báo cáo.

– Cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra và phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.

– Thực hiện chế độ thống kê, kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật.

– Chịu trách nhiệm cuối cùng về mọi hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.

– Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ.

– Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa trong trường hợp Sở Giao dịch hàng hóa gây thiệt hại cho các thành viên, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Luật Doanh nghiệp, Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa và theo các quy định khác của pháp luật.

– Ban hành các quy chế niêm yết, công bố thông tin và giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.

– Ban hành và công bố quy chế hoạt động và quản lý rủi ro của Trung tâm thanh toán bù trừ (theo Điều 16 Nghị định 158/2006/NĐ-CP, điều 16 khoản Điều 1, khoản 9 Điều 2  Nghị định 51/2018/NĐ-CP).

3. Lưu ý

– Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh, Sở Giao dịch hàng hóa phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền chấp thuận để niêm yết giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa.

– Đối với những mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, Sở Giao dịch hàng hóa có trách nhiệm gửi 01 bộ hồ sơ thông báo với Bộ Công Thương trước khi chính thức niêm yết giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa 30 ngày. Hồ sơ được gửi về Bộ Công Thương theo một trong ba cách: Gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua mạng điện tử của Bộ Công Thương.

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo của Sở Giao dịch hàng hóa về việc niêm yết hàng hóa giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa, Bộ Công Thương có văn bản phản hồi đến Sở Giao dịch hàng hóa nếu hồ sơ thông báo chưa đầy đủ. Sau thời hạn trên, nếu Sở Giao dịch hàng hóa không nhận được văn bản phản hồi từ Bộ Công Thương có nghĩa là hồ sơ thông báo của Sở Giao dịch hàng hóa đã đầy đủ, hợp lệ (theo khoản 26 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP).

Lưu ý chung: Việc tổ chức hoạt động giao dịch các loại hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công bố bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với sở giao dịch hàng hóa. Bên cạnh đó còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 97 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Kết luận: Việc thực hiện thủ tục Thông báo hàng hóa mới niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa cần tuân thủ các quy dịnh tại Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Nghị định 51/2018/NĐ-CP, Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Chi tiết về trình tự, hồ sơ, thủ tục thực hiện xem tại đây:

Thông báo hàng hóa mới niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa