16. Đăng ký sáng chế
Trong quá trình hoạt động, các sáng chế luôn mang lại lợi ích không nhỏ và để xác lập quyền sở hữu đối với sáng chế của mình, các tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện việc đăng ký sáng chế. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (bổ sung bởi Thông tư 05/2013/NĐ-CP, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN (được Thông tư 16/2016/TT-BKHCN)).
1. Một số khái niệm cơ bản
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên (khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009).
Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế (khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009).
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009).
2. Điều kiện đối với sáng chế được bảo hộ
Sáng chế được bảo hộ dưới hai hình thức nếu đáp ứng đủ các điều kiện như sau (Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005):
2.1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có tính mới;
+ Có trình độ sáng tạo;
+ Có khả năng áp dụng công nghiệp.
2.2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có tính mới;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Lưu ý:
Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế bao gồm (Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005):
– Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
– Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
– Cách thức thể hiện thông tin;
– Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
– Giống thực vật, giống động vật;
– Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
– Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
3. Đối tượng đăng kí sáng chế
Những tổ chức, cá nhân sau sẽ có quyền đăng ký sáng chế bao gồm (khoản 1 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ 2005):
– Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình
– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định của Chính phủ về quyền đăng ký sáng chế đối với việc tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Lưu ý:
– Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý (khoản 2 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
– Người có quyền đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký (khoản 3 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
4. Đăng ký sáng chế của Nhà nước
Quyền đăng kí sáng chế của Nhà nước quy định tại Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP như sau:
– Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
– Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký nói trên.
– Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phámt triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
Lưu ý:
– Tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP đại diện nhà nước đứng tên chủ Văn bằng bảo hộ và thực hiện việc quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó.
– Tổ chức, cơ quan nhà nước này có quyền chuyển nhượng phần quyền đăng ký sáng chế của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác với điều kiện tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phần quyền đăng ký phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của sáng chế đó (khoản 4 Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).
5. Đơn quốc tế về sáng chế
5.1. Khái niệm Đơn quốc tế về sáng chế
“Đơn PCT” được hiểu là Đơn đăng ký sáng chế nộp theo Hiệp ước PCT, bao gồm (khoản 1 Điều 11 Nghị định 103/2006/NĐ-CP):
– Đơn có yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam, được nộp tại bất kỳ nước Thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (sau đây gọi là Đơn PCT có chỉ định hoặc có chọn Việt Nam);
– Đơn được nộp tại Việt Nam, trong đó có yêu cầu bảo hộ tại bất kỳ nước thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (sau đây gọi là Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam).
5.2. Đối tượng đăng kí đơn quốc tế về sáng chế
Đối tượng đăng kí đơn quốc tế về sáng chế quy định tại Điều 2 Nghị định 103/2006/NĐ-CP bao gồm:
5.2.1. Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của pháp luật dân sự
5.2.2.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện hưởng sự bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Các điều ước quốc tế quy định tại khoản này bao gồm:
+ Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, sửa đổi năm 1967 (sau đây gọi tắt là “Công ước Paris”);
+ Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000;
+ Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Việt Nam – Thụy Sĩ năm 1999;
+ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) năm 1994, kể từ thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;
+ Các điều ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên.
5.3. Điều kiện đăng kí đơn quốc tế về sáng chế
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam quy định tại Điều 2 Nghị định 103/2006/NĐ-CP có thể nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước về hoặc liên quan đến thủ tục nộp đơn quốc tế (khoản 1 Điều 7 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).
Các điều ước quốc tế quy định tại khoản này bao gồm:
+ Hiệp ước hợp tác quốc tế về Bằng sáng chế năm 1970, được sửa đổi năm 1984 (sau đây gọi tắt là “Hiệp ước PCT”);
+ Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu năm 1891, được sửa đổi năm 1979 (sau đây gọi tắt là “Thoả ước Madrid”) và Nghị định thư liên quan đến Thoả ước Madrid năm 1989 (sau đây gọi tắt là “Nghị định thư Madrid”);
+ Các điều ước quốc tế khác về hoặc liên quan đến thủ tục nộp đơn quốc tế mà Việt Nam là thành viên, kể từ thời điểm điều ước quốc tế bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam.
– Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể nộp đơn đăng ký quốc tế sở hữu công nghiệp để yêu cầu bảo hộ quyền của mình tại Việt Nam nếu điều ước quốc tế có quy định (khoản 2 Điều 7 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).
5.4. Trình tự thủ tục
Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp xem xét Đơn PCT có chọn hoặc có chỉ định Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây (khoản 2 Điều 11 Nghị định 103/2006/NĐ-CP):
– Người nộp đơn tiến hành các thủ tục đăng ký sáng chế tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp của Việt Nam (Giai đoạn quốc gia) theo quy định của Hiệp ước PCT trong thời hạn ba mươi mốt tháng kể từ ngày nộp đơn quốc tế hoặc kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên);
– Nộp phí, lệ phí về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Lưu ý:
– Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam phải được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nga và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung quy định tại Hiệp ước PCT. Người nộp đơn có thể nộp đơn cho cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (khoản 3 Điều 11 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).
6. Nguyên tắc nộp đơn đăng kí sáng chế
6.1. Nguyên tắc đầu tiên
Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009:
– Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Lưu ý:
– Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký quy định tại khoản 1 Điều này cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ (khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009).
6.2. Nguyên tắc quyền ưu tiên
Quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế được áp dụng như sau (Điều 91 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP):
6.2.1. Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris
Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP):
– Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước Thành viên của Công ước Paris hoặc cư trú, có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước Thành viên Công ước đó;
– Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước Thành viên của Công ước Paris và đơn đó có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế;
– Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: mười hai tháng đối với đơn đăng ký sáng chế;
– Trong đơn đăng ký sáng chế, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên nêu tại điểm b khoản này trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên;
– Nộp đủ lệ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
6.2.2. Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác
Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện về quyền ưu tiên quy định trong điều ước đó (khoản 2 Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).
7. Những lưu ý khi thực hiện việc đăng ký sáng chế
Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ 2019).
Đơn đăng ký sáng chế bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005):
– Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;
– Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhât;
– Đơn cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất mà không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn.
Lưu ý:
Về thời hạn công bố đơn đăng ký sáng chế:
– Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn được quy định tại Điều 14.2.a.i Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
– Đơn PCT được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ sau khi đơn đã vào giai đoạn quốc gia Điều 14.2.a.ii Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục đăng ký sáng chế, các cá nhân, tổ chức cần phải nộp đơn hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đồng thời đáp ứng các yêu cầu quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tư, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: Đăng ký sáng chế