2. Yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc

Posted on

Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc khi căn cứ chuyển giao theo quy định của pháp luật không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này theo Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung 2009), Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 13/2010/TT-BKHCN.

1. Một số khái niệm

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005:

– Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

– Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

– Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.

– Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

– Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

– Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

– Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

2. Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ

Căn cứ theo quy định tại Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì để sáng chế được bảo hộ cần đáp ứng được những điều kiện chung như sau:

– Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có tính mới;

+ Có trình độ sáng tạo;

+ Có khả năng áp dụng công nghiệp.

– Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có tính mới;

+ Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

– Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

– Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

– Cách thức thể hiện thông tin;

– Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

– Giống thực vật, giống động vật;

– Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

– Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

3. Sử dụng sáng chế

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì sử dụng sáng chế là việc thực hiện các hành vi sau đây:

– Sản xuất sản phẩm được bảo hộ;

– Áp dụng quy trình được bảo hộ;

– Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ;

– Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm c khoản này;

– Nhập khẩu sản phẩm quy định tại điểm c khoản này.

4. Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế.

Căn cứ theo Điều 145 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế được quy định như sau:

Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật này mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế:

+ Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;

+ Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật này sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;

+ Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;

+ Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

– Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ chuyển giao quy định tại khoản 1 Điều này không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

5. Yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc

5.1. Thẩm quyền.

Căn cứ theo quy định tại Điểm 52.1 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì việc chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ – người đã ra quyết định bắt buộc chuyển giao – quyết định.

5.2. Hồ sơ và trình tự thực hiện.

Căn cứ theo quy định tại Điểm 52.2 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Thông tư 13/2010/TT-BKHCN) thì yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc gồm các tài liệu sau đây:

– Văn bản yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc;

– Tài liệu chứng minh căn cứ dẫn đến việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện, đồng thời việc chấm dứt sử dụng sáng chế không gây thiệt hại cho người được

 chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc;

– Giấy ủy quyền (nếu nộp yêu cầu thông qua đại diện);

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)

Căn cứ theo quy định tại Điểm 52.3 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì thủ tục tiếp nhận, xử lý yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quy định bắt buộc và ra quyết định chấm dứt được thực hiện như đối với thủ tục tiếp nhận, xử lý hồ sơ yêu cầu chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc quy định tại điểm 51 của Thông tư này.

Kết luận: Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc cần lưu ý các quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung 2009), Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 13/2010/TT-BKHCN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc