21. Đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam

Posted on

Tổ chức, cá nhân có thể thực hiện quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam theo theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Nghị định 122/2010/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 13/2010/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 05/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, Thông tư 263/2016/TT-BTC, Thông tư 31/2020/TT-BTC.

1. Một số khái niệm

Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng (theo khoản 1 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Khoản 1 Điều 12 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định: Đơn Madrid được hiểu là đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu nộp theo Thoả ước Madrid hoặc theo Nghị định thư Madrid, bao gồm:

+ Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, có nguồn gốc từ các nước Thành viên khác của Thoả ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid (Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam);

+ Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tại các nước Thành viên khác của Thoả ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid, nộp tại Việt Nam (Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam).

2. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.

– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác (theo Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Lưu ý: Các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu bao gồm:

– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;

– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;

– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

– Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ (theo Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

3. Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thoả ước Madrid hoặc theo Nghị định thư Madrid

– Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể thực hiện quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thoả ước Madrid hoặc theo Nghị định thư Madrid theo quy định sau (theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 103/2006/NĐ-CP):

+ Nộp đơn theo Thoả ước Madrid nếu yêu cầu bảo hộ tại nước thành viên của Thỏa ước Madrid, với điều kiện đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam;

+ Nộp đơn theo Nghị định thư Madrid nếu yêu cầu bảo hộ tại nước thành viên của Nghị định thư Madrid mà không phải là thành viên của Thỏa ước Madrid, với điều kiện đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.

Lưu ý: Việc xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam như sau (theo điểm 41 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN):

– Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng quốc tế về đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định nội dung đơn theo thủ tục áp dụng đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia (xem tại đây: Đăng ký nhãn hiệu). Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo, Cục Sở hữu trí tuệ có kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu (điểm 41.6.a).

– Đối với nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục sau đây:

+ Trước khi kết thúc thời hạn 12 tháng nêu tại điểm a trên đây, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu (Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế) và gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam theo Mẫu số 4 (Model Form 4) của Văn phòng quốc tế; và

+ Công bố quyết định trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

Phạm vi (khối lượng) bảo hộ được xác định theo nội dung yêu cầu trong đăng ký quốc tế nhãn hiệu đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận (điểm 41.6.b).

– Đối với nhãn hiệu có một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc nhãn hiệu đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng đăng ký quốc tế còn có thiếu sót (ví dụ thiếu Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, thiếu ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh nhãn hiệu ba chiều…), thì trước khi kết thúc thời hạn 12 tháng nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo tạm thời từ chối theo Mẫu số 3 (Model Form 3) của Văn phòng quốc tế, trong đó nêu rõ nội dung và lý do dự định từ chối; và gửi thông báo đó cho Văn phòng quốc tế (điểm 41.6.c).

– Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo tạm thời từ chối đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ, người nộp đơn có quyền sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ.

Việc sửa chữa thiếu sót hoặc phản đối dự định từ chối được thực hiện theo thủ tục như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia, kể cả quy định về cách thức nộp đơn (điểm 41.6.d).

– Trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ dự định từ chối một phần hoặc toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ (nêu trong thông báo tạm thời từ chối), nếu trong thời hạn 03 tháng nêu trên người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu và/hoặc có ý kiến phản đối xác đáng đối với dự định từ chối một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ đó thì Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục sau:

+ Ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế với phạm vi (khối lượng) bảo hộ tương ứng với hàng hóa, dịch vụ đáp ứng điều kiện bảo hộ; ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu (Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế); và gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố chấp nhận bảo hộ sau thông báo tạm thời từ chối theo Mẫu số 5 (Model Form 5) của Văn phòng quốc tế;

+ Công bố quyết định trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định (điểm 41.6.đ).

– Trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ dự định từ chối một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ (nêu trong thông báo tạm thời từ chối), nếu kết thúc thời hạn 03 tháng nêu trên mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng đối với dự định từ chối đó thì Cục Sở hữu trí tuệ áp dụng tương tự các thủ tục quy định tại điểm 41.6.đ trên đây chỉ riêng đối với hàng hóa, dịch vụ đáp ứng điều kiện bảo hộ (hàng hóa, dịch vụ không nêu trong thông báo tạm thời từ chối) (điểm 41.6.e).

– Trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ dự định từ chối toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ (nêu trong thông báo tạm thời từ chối), nếu kết thúc thời hạn 03 tháng nêu trên mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng đối với dự định từ chối toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ đó thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế và gửi cho Văn phòng quốc tế thông báo khẳng định từ chối toàn bộ theo Mẫu số 6 (Model Form 6) của Văn phòng quốc tế (điểm 41.6.g).

Lưu ý:

– Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với các quyết định nêu tại các điểm 41.6.đ, e và g trên đây được thực hiện như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo thể thức quốc gia theo các thủ tục quy định tại điểm 22 của Thông tư này nếu có cơ sở cho rằng quyết định này được ban hành không phù hợp với các quy định pháp luật về nội dung và trình tự ban hành. Kết quả giải quyết khiếu nại được Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho Văn phòng quốc tế và cho người nộp đơn;

– Kể từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu được thừa nhận bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam, theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam, với điều kiện người yêu cầu nộp phí, lệ phí theo quy định.

Kết luận: Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam cần lưu ý các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN).

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam