33. Đăng ký nhãn hiệu
Nhãn hiệu chỉ được bảo hộ theo cơ chế của quyền sở hữu trí tuệ khi thông qua thủ tục đăng ký nhãn hiệu theo quy định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về nội dung này theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Nghị định 99/2013/NĐ-CP, Nghị định 119/2010/NĐ-CP, Nghị định 122/2010/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, Thông tư 13/2010/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 05/2013/TT-BKHCN.
1. Khái niệm
– Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
– Điều 1.2 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định: Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là “thiết kế bố trí”), kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp văn bằng bảo hộ cho người đăng ký các đối tượng đó. Người được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là chủ sở hữu và được hưởng quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp trong phạm vi bảo hộ ghi trong văn bằng bảo hộ và trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Khi xảy ra tranh chấp, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền sử dụng văn bằng bảo hộ làm căn cứ chứng minh quyền của mình mà không cần chứng cứ nào khác.
– Khoản 25 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng.
2. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ
Nhãn hiệu đăng ký chỉ được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Lưu ý: Những dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu nếu thuộc các trường hợp sau (Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ 2005):
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
– Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
3. Đơn đăng ký nhãn hiệu
Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu (Điều 37 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, khoản 31 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN):
– Đơn đăng ký nhãn hiệu phải đáp ứng các yêu cầu chung về tài liệu đơn quy định tại điểm 7 và điểm 10.1 của Thông tư này và các yêu cầu cụ thể quy định tại điểm này.
– Đơn phải bảo đảm tính thống nhất quy định tại khoản 1, 4 Điều 101 Luật sở hữu trí tuệ 2005. Mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ.
– Trường hợp có cơ sở (thông tin, chứng cứ) để nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn, Cục Sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu người nộp đơn trong thời hạn 01 tháng, phải nộp các tài liệu nhằm xác minh các thông tin đó, có thể là các tài liệu sau đây:
+ Tài liệu chứng minh tư cách người nộp đơn:
Giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng hoặc tài liệu khác xác nhận hoạt động sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ của người nộp đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005;
Thoả thuận, thư xác nhận người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu và không phản đối việc đăng ký nhãn hiệu của người tiến hành hoạt động thương mại sản phẩm của người sản xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005;
Quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ tổ chức xác nhận chức năng, thẩm quyền quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chất lượng, nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hàng hoá, dịch vụ theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005;
Thoả thuận, giấy đăng ký kinh doanh, tài liệu liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu của các đồng chủ sở hữu theo quy định tại khoản 5 Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005;
Tài liệu xác nhận người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký nhãn hiệu từ người khác theo quy định tại khoản 6 Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005;
Thoả thuận, thư đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu xác nhận quyền đăng ký nhãn hiệu của người đại diện, đại lý theo quy định tại khoản 7 Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005 và Điều 6septies của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.
+ Tài liệu chứng minh tư cách đại diện của chủ đơn: giấy uỷ quyền gốc của người nộp đơn; giấy tờ xác nhận đại diện của chủ đơn là người đại diện theo pháp luật của tổ chức đăng ký nhãn hiệu hoặc là người được người đó uỷ quyền; giấy tờ xác nhận người được uỷ quyền của người nộp đơn đáp ứng các yêu cầu để đứng tên đại diện của chủ đơn theo quy định tại điểm 3 của Thông tư này.
+ Tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt đối với:
Tên, biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế hoặc dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế theo quy định tại khoản 2, 4 Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ 2005;
Tên nhân vật, hình tượng của tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả đã được biết đến rộng rãi hoặc tên thương mại, chỉ dẫn thương mại, chỉ dẫn xuất xứ, giải thưởng, huy chương hoặc ký hiệu đặc trưng của một loại sản phẩm nhất định có khả năng gây nhầm lẫn theo quy định tại khoản 5 Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ 2005;
Dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của người khác theo quy định tại điểm n khoản 2 Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005;
+ Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
+ Thông tin cần thiết để làm rõ hoặc khẳng định các nội dung nêu trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc trong các tài liệu đơn khác.
+ Tài liệu khác thích hợp để làm rõ tính xác thực của thông tin trong đơn.
4. Xử lý vi phạm hành chính
Trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu cần lưu ý về cơ chế xử phạt đối với các hành vi theo quy định tại Điều 5 Nghị định 99/2013/NĐ-CP:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung văn bằng bảo hộ hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu công nghiệp.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, chứng cứ sai lệch trong quá trình thực hiện một trong các thủ tục sau đây:
+ Tiến hành các thủ tục xác lập, công nhận, chứng nhận, sửa đổi, duy trì, gia hạn, yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;
+ Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; buộc tiêu hủy giấy tờ, tài liệu giả mạo đối với hành vi giả mạo giấy tờ để thực hiện một trong các hành vi vi phạm trên.
Kết luận: Việc thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu tiến hành theo đúng quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Nghị định 99/2013/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây