36. Đánh giá, nghiệm thu và công nhận kết quả thực hiện dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020
Nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến năm 2030 khi kết thúc phải thông qua thủ tục đánh giá, nghiệm thu và công nhận kết quả. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về nội dung của thủ tục Đánh giá, nghiệm thu và công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến năm 2030 theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 11/2014/TT-BKHCN, Thông tư 03/2021/TT-BKHCN, Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC.
1. Quy định chung
Điều 37 Luật khoa học và Công nghệ 2013 có quy định:
– Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, khi kết thúc phải được đánh giá nghiệm thu khách quan, chính xác thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành. Người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo thẩm quyền quyết định nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong trường hợp cần thiết, người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định nghiệm thu.
– Nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân tự tổ chức đánh giá, nghiệm thu. Trường hợp tổ chức, cá nhân không có khả năng tự tổ chức đánh giá, nghiệm thu thì có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương xem xét đánh giá, nghiệm thu.
– Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khoẻ con người phải được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền thẩm định.
– Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố công khai -danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã được nghiệm thu.
Khoản 1, khoản 2 Điều 9 Thông tư 11/2014/TT-BKHCN quy định:
– Hội đồng và tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia do Thủ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ quyết định thành lập trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
– Tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia (sau đây gọi là Tổ chuyên gia) được thành lập trong trường hợp nhiệm vụ có sản phẩm đo kiểm được. Tổ chuyên gia có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định độ tin cậy, nhận định tính xác thực các sản phẩm của nhiệm vụ.
Theo Điều 34 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN: Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ có trách nhiệm tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo biểu mẫu B14-BCTĐG ban hành kèm theo Thông tư này trước khi nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu cho Cục Sở hữu trí tuệ.
2. Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án
2.1. Thẩm quyền thành lập
Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ hợp lệ. (khoản 1 Điều 37 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN).
2.2. Cơ cấu
– Hội đồng có 07 hoặc 09 thành viên, trong đó có Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch hội đồng, 02 ủy viên phản biện, 01 thư ký khoa học và các ủy viên khác. Các thành viên hội đồng là chuyên gia về sở hữu trí tuệ, chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực của nhiệm vụ, đại diện cơ quan có liên quan, trong đó có ít nhất 01 thành viên đã tham gia hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ hoặc hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ.
– Cá nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN không được tham gia hội đồng. (khoản 2, 3 Điều 37 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN).
Lưu ý:
Theo Điều 38 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN:
– Phiên họp của hội đồng được tổ chức trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có Quyết định thành lập hội đồng và chỉ tiến hành khi bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận được đầy đủ ý kiến nhận xét bằng văn bản của 02 ủy viên phản biện ít nhất 01 ngày làm việc trước phiên họp hội đồng;
+ Có sự tham dự của ít nhất 05 thành viên (đối với hội đồng có 07 thành viên) hoặc ít nhất 07 thành viên (đối với hội đồng có 09 thành viên), trong đó có Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) và 02 ủy viên phản biện.
2.3. Trình tự làm việc (theo khoản 5 Điều 10 Thông tư 11/2014/TT-BKHCN)
+ Chủ tịch hội đồng thống nhất và thông qua nội dung làm việc của Hội đồng;
+ Hội đồng cử hoặc bầu một thành viên làm ủy viên thư ký khoa học để ghi chép các ý kiến thảo luận tại các phiên họp, xây dựng và hoàn thiện biên bản đánh giá, nghiệm thu theo ý kiến kết luận tại phiên họp của hội đồng;
+ Hội đồng bầu ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên thuộc hội đồng, trong đó có một trưởng ban để tổng hợp ý kiến của các thành viên hội đồng;
+ Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, báo cáo về sản phẩm khoa học và công nghệ và báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ;
+ Các thành viên hội đồng nêu câu hỏi đối với chủ nhiệm nhiệm vụ về kết quả và các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ. Chủ nhiệm nhiệm vụ và các cá nhân có liên quan trả lời các câu hỏi của hội đồng (nếu có) và không tiếp tục tham dự phiên họp của hội đồng;
+ Tổ trưởng tổ chuyên gia báo cáo kết quả thẩm định đối với nhiệm vụ (nếu có); các ủy viên phản biện đọc nhận xét đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ; Ủy viên thư ký khoa học đọc phiếu nhận xét của thành viên vắng mặt (nếu có); các thành viên hội đồng nêu ý kiến trao đổi về kết quả nhiệm vụ;
+ Các thành viên hội đồng đánh giá xếp loại nhiệm vụ theo Mẫu 7 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BKHCN; Hội đồng tiến hành bỏ phiếu đánh giá kết quả nhiệm vụ; Ban kiểm phiếu tổng hợp và báo cáo kết quả kiểm phiếu theo Mẫu 8 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Chủ tịch hội đồng dự thảo kết luận đánh giá của hội đồng theo Mẫu 9 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BKHCN. Trường hợp hội đồng đánh giá xếp loại “Không đạt” cần xác định rõ những nội dung đã thực hiện theo hợp đồng để Bộ chủ trì nhiệm vụ xem xét xử lý theo quy định hiện hành. Hội đồng thảo luận để thống nhất từng nội dung kết luận và thông qua biên bản;
+ Đại diện các cơ quan phát biểu ý kiến (nếu có).
– Các thành viên hội đồng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bằng cách cho điểm vào Phiếu nhận xét, đánh giá theo biểu mẫu B16 ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHCN;
– Hội đồng lập và thông qua Biên bản họp theo biểu mẫu B17 ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHCN.
– Đối với nhiệm vụ có hoạt động triển khai thực địa, nhiệm vụ có sản phẩm trung gian, sản phẩm là các mô hình, thiết bị cụ thể, sản phẩm phải đo kiểm: Trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý nhiệm vụ tổ chức cho hội đồng kiểm tra, đánh giá thực tế, hiện trường thực hiện nhiệm vụ hoặc kiểm tra, đánh giá chất lượng, thông số kỹ thuật sản phẩm tại cơ quan có chuyên môn phù hợp.
2.4. Nội dung, tiêu chí đánh giá
– Nội dung, tiêu chí đánh giá:
+ Thời gian nộp hồ sơ đánh giá nghiệm thu
+ Mức độ hoàn thành các nội dung, khối lượng công việc
+ Tính hợp lý, khoa học của phương án triển khai
+ Mức độ hoàn thành các kết quả, sản phẩm: Số lượng các kết quả, sản phẩm so với thuyết minh, hợp đồng giao thực hiện nhiệm vụ; mức độ phù hợp của từng sản phẩm, kết quả so với định mức, tiêu chí khoa học, kỹ thuật được giao
+ Hiệu quả và tính bền vững (được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và/hoặc khả năng áp dụng thực tiễn của các sản phẩm, kết quả) của nhiệm vụ
+ Các nội dung, yêu cầu khác quy định tại Điều 12 Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2020/TT-BKHCN ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 41 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
2.5. Phương pháp đánh giá, xếp loại dự án
Phương pháp đánh giá, xếp loại nhiệm vụ của hội đồng căn cứ vào trung bình cộng số điểm đánh giá của các thành viên hội đồng tham gia phiên họp, cụ thể là:
+ “Không nghiệm thu” nếu trung bình cộng số điểm đánh giá của thành viên hội đồng dưới 50 điểm
+ “Nghiệm thu” nếu trung bình cộng số điểm đánh giá của thành viên hội đồng từ 50 điểm trở lên, trong đó
– Nghiệm thu với mức “Đạt yêu cầu” nếu trung bình cộng số điểm đánh giá của thành viên hội đồng từ 50 đến dưới 70 điểm;
– Nghiệm thu với mức “Khá” nếu trung bình cộng số điểm đánh giá của thành viên hội đồng từ 70 đến dưới 90 điểm;
– Nghiệm thu với mức “Xuất sắc” nếu trung bình cộng số điểm đánh giá của thành viên hội đồng từ 90 đến 100 điểm (khoản 2 Điều 40 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN).
Lưu ý:
– Đối với nhiệm vụ được hội đồng đánh giá, xếp loại “Nghiệm thu” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hội đồng thông qua Biên bản họp, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nghiệm thu theo kết luận của hội đồng và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ sau khi được Chủ tịch hội đồng xác nhận về việc hoàn thiện hồ sơ.
– Đối với nhiệm vụ được hội đồng đánh giá, xếp loại “Không nghiệm thu” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì sẽ được xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
– Việc tổ chức lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập về đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 22 Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN (theo khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 40 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN).
3. Nguyên tắc đánh giá, nghiệm thu
Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 11/2014/TT-BKHCN:
– Căn cứ vào đặt hàng của Bộ chủ trì nhiệm vụ, hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã ký kết và các nội dung đánh giá được quy định tại Thông tư này.
– Căn cứ vào hồ sơ đánh giá, nghiệm thu.
– Đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công bằng, trung thực và chính xác.
4. Kinh phí đánh giá, nghiệm thu
– Kinh phí đánh giá, nghiệm thu:
+ Kinh phí đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ do Cục Sở hữu trí tuệ chi từ kinh phí tổ chức hoạt động chung thuộc Chương trình;
+ Chi phí phát sinh để hoàn thiện các sản phẩm và hồ sơ nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của hội đồng do tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ tự chi trả (theo khoản 2 Điều 39 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN).
Kết luận: Việc thực hiện thủ tục đánh giá, nghiệm thu và công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến năm 2030 tiến hành theo đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 11/2014/TT-BKHCN, Thông tư 03/2021/TT-BKHCN, Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC.