38. Thay đổi, điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến năm 2030 có thể có những sự thay đổi, điều chỉnh nhất định. Khi đó, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ cần thực hiện thủ tục đề nghị thay đổi, điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 04/2015/TT-BKHCN, Thông tư 08/2017/TT-BKHCN, Thông tư 03/2021/TT-BKHCN.
1. Quy định chung
Khoản 2 Điều 3 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN quy định: Nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình: Là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của Nhà nước thông qua tuyển chọn hoặc giao trực tiếp để thực hiện các nội dung quy định tại mục II Điều 1 Quyết định số 2205/QĐ-TTg, trừ các nhiệm vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
2. Các trường hợp được phép thay đổi, điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020
2.1. Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án
– Tổ chức chủ trì nhiệm vụ có thể đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét gia hạn hoặc rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ.
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức chủ trì nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này, Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm xem xét lý do đề nghị gia hạn, rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.
– Việc gia hạn thời gian thực hiện nhiệm vụ chỉ được thực hiện 01 lần đối với mỗi nhiệm vụ. Thời gian gia hạn không quá 12 tháng đối với các nhiệm vụ có thời gian thực hiện trên 24 tháng và không quá 06 tháng đối với nhiệm vụ có thời gian thực hiện không quá 24 tháng. Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.
– Việc rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ chỉ được xem xét khi đã hoàn thành được ít nhất 2/3 nội dung công việc được giao (Điều 30 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN).
2.2. Thay đổi tổ chức chủ trì dự án
Nhiệm vụ chỉ được thay đổi tổ chức chủ trì trong trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức, giải thể tổ chức chủ trì. Tổ chức chủ trì mới phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này (theo khoản 1 Điều 31 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN).
2.3. Thay đổi chủ nhiệm dự án
Việc thay đổi chủ nhiệm nhiệm vụ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Thông tư số 04/2015/TT-BKHCN. Chủ nhiệm nhiệm vụ mới phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
Việc thay đổi chủ nhiệm nhiệm vụ được thực hiện trong các trường hợp sau:
– Chủ nhiệm nhiệm vụ đi học tập, công tác dài hạn trên 06 tháng liên tục;
– Chủ nhiệm nhiệm vụ bị ốm đau, bệnh tật không có khả năng điều hành hoạt động nghiên cứu của nhiệm vụ (có văn bản đề nghị của cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ hoặc xác nhận của cơ quan y tế);
– Chủ nhiệm nhiệm vụ tử vong; mất tích trên 06 tháng;
– Chủ nhiệm nhiệm vụ có văn bản đề nghị thay đổi chủ nhiệm nhiệm vụ vì lý do cá nhân không thể tiếp tục thực hiện công việc được giao;
– Chủ nhiệm nhiệm vụ không hoàn thành tiến độ và nội dung nhiệm vụ theo đặt hàng mà không có lý do chính đáng, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính theo kết luận của đoàn kiểm tra, thanh tra hoặc phải đình chỉ công tác (theo khoản 2 Điều 31 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN).
2.4. Điều chỉnh tên, mục tiêu, sản phẩm của nhiệm vụ, nội dung, kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ, kinh phí thực hiện nhiệm vụ ngoài ngân sách nhà nước và mua sắm nguyên vật liệu, mua máy móc thiết bị: Việc điều chỉnh này được thực hiện theo quy định tại (khoản 3 Điều 31 Thông tư 03/2021/TT-BKHCN)
– Điều chỉnh tên, mục tiêu, sản phẩm của nhiệm vụ:
+ Đối với nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán đến sản phẩm cuối cùng: Không được phép điều chỉnh.
+ Đối với nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán một phần: Việc điều chỉnh được xem xét sau khi có ý kiến của hội đồng tư vấn theo Mẫu C-1-BBHĐTV tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này do Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ thành lập và ý kiến đồng thuận bằng văn bản của Cơ quan đề xuất đặt hàng nhiệm vụ.
– Điều chỉnh nội dung của nhiệm vụ:
+ Đối với nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán đến sản phẩm cuối cùng: Thủ trưởng Tổ chức chủ trì nhiệm vụ được chủ động điều chỉnh nội dung nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm về quyết định điều chỉnh của mình.
+ Đối với nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán một phần: Tổ chức chủ trì nhiệm vụ phải có văn bản báo cáo Bộ chủ trì nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ xem xét, quyết định việc điều chỉnh nội dung đối với từng trường hợp cụ thể. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia.
– Điều chỉnh kinh phí thực hiện nhiệm vụ:
+ Tổ chức Chủ trì nhiệm vụ có quyền đề nghị điều chỉnh kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
+ Việc điều chỉnh kinh phí thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định hiện hành.
– Điều chỉnh mua sắm nguyên, vật liệu: Tổ chức chủ trì nhiệm vụ được chủ động quyết định điều chỉnh kế hoạch mua sắm và dự toán về số lượng, khối lượng, chủng loại nguyên vật liệu mua bằng ngân sách nhà nước và không làm tăng tổng kinh phí chi cho mục nguyên vật liệu đã được phê duyệt. Sau điều chỉnh, việc mua sắm nguyên vật liệu thực hiện theo quy định hiện hành.
– Điều chỉnh, bổ sung cá nhân tham gia nghiên cứu: Tổ chức chủ trì nhiệm vụ được chủ động thay đổi cá nhân tham gia nghiên cứu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu, sản phẩm của nhiệm vụ đã được phê duyệt. Việc thay đổi cá nhân tham gia nghiên cứu phải có sự đồng thuận của người được bổ sung và người được thay thế.
– Điều chỉnh đoàn ra:
+ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ được chủ động điều chỉnh nội dung, thời điểm và thời gian tổ chức đoàn ra phù hợp với thực tế, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu, sản phẩm của nhiệm vụ;
+ Trường hợp điều chỉnh nước đến, số lượng người tham gia đoàn ra cần có ý kiến bằng văn bản của Bộ chủ trì nhiệm vụ;
+ Mọi trường hợp điều chỉnh đoàn ra không được tăng tổng kinh phí chi cho mục đoàn ra đã được phê duyệt.
– Điều chỉnh mua sắm thiết bị, máy móc: Tổ chức chủ trì nhiệm vụ phải có văn bản báo cáo Bộ chủ trì nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ xem xét, quyết định việc điều chỉnh đối với từng trường hợp cụ thể.
– Điều chỉnh dự toán kinh phí ngoài ngân sách nhà nước: Tổ chức chủ trì được phép chủ động điều chỉnh các nội dung và kế hoạch chi nhưng không được giảm tổng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước đã được phê duyệt.
– Điều chỉnh khác đối với các nội dung không quy định trên do Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ quyết định.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ khi điều chỉnh, thay đổi nội dung công nghệ theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 51/2019/NĐ-CP.
Kết luận: Việc thay đổi, điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến năm 2030 thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 04/2015/TT-BKHCN, Thông tư 08/2017/TT-BKHCN, Thông tư 03/2021/TT-BKHCN.