4. Cấp, cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp
Giám định viên sở hữu trí tuệ là người có đủ trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến nội dung cần giám định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ. Trong đó, giám định về quyền sở hữu công nghiệp là một trong những lĩnh vực của giám định sở hữu trí tuệ và các cá nhân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được cấp/cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể thủ tục cấp, cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp theo Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Nghị định 119/2010/NĐ-CP, Thông tư 01/2008/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 04/2012/TT-BKHCN, Thông tư 263/2016/TT-BTC.
1. Một số khái niệm liên quan
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
– Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
– Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
– Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
– Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.
– Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.
– Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
– Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
– Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
2. Giám định sở hữu trí tuệ
a) Quy định chung
Căn cứ theo Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), giám định về sở hữu trí tuệ được quy định như sau.
– Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
– Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau đây được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ:
+ Có nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật;
+ Có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;
+ Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
– Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ:
+ Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Thường trú tại Việt Nam;
+ Có phẩm chất đạo đức tốt;
+ Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý.
– Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
b) Nội dung và lĩnh vực giám định sở hữu trí tuệ
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 39 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ-CP):
– Giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm các nội dung sau đây:
+ Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này;
+ Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các Điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 và các Điều từ Điều 7 đến Điều 14 của Nghị định này;
+ Xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;
+ Xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.
– Giám định sở hữu trí tuệ bao gồm các lĩnh vực sau đây:
+ Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan;
+ Giám định về quyền sở hữu công nghiệp;
+ Giám định về quyền đối với giống cây trồng.
Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Mục I Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2012/TT-BKHCN) thì lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ và điểm b khoản 2 Điều 39 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP sửa đổi bao gồm các chuyên ngành sau đây:
– Giám định sáng chế và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
– Giám định kiểu dáng công nghiệp;
– Giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý;
– Giám định các quyền sở hữu công nghiệp khác.
3. Giám định viên sở hữu trí tuệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ-CP):
– Giám định viên sở hữu trí tuệ là người có đủ trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến nội dung cần giám định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
– Người đáp ứng đủ các Điều kiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
– Giám định viên sở hữu trí tuệ có các quyền sau đây:
+ Có thể hoạt động trong 01 tổ chức giám định sở hữu trí tuệ dưới danh nghĩa của tổ chức đó hoặc hoạt động độc lập;
+ Từ chối giám định trong trường hợp tài liệu liên quan không đủ hoặc không có giá trị để đưa ra kết luận giám định;
+ Sử dụng kết quả thẩm định hoặc kết luận chuyên môn, ý kiến chuyên gia phục vụ việc giám định;
+ Giám định viên sở hữu trí tuệ hoạt động độc lập có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
– Giám định viên sở hữu trí tuệ có các nghĩa vụ sau đây:
+ Lập hồ sơ giám định, có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan trưng cầu giám định; giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu;
+ Bảo quản các hiện vật, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định;
+ Độc lập đưa ra kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình; nếu cố ý đưa ra kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan thì phải bồi thường thiệt hại;
+ Từ chối giám định trong trường hợp giám định viên có quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng giám định, vụ việc cần giám định hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận giám định;
+ Giữ bí mật các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu hoặc trưng cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
+ Tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục giám định;
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Điều kiện cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và hình thức hoạt động giám định
a) Điều kiện cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2.1 Mục I Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2012/TT-BKHCN) thì các điều kiện để được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “Thẻ giám định viên”) quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:
– Điều kiện “Thường trú tại Việt Nam” được hiểu là có nơi sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại Việt Nam và đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về nơi cư trú;
– Điều kiện “Có phẩm chất đạo đức tốt” được hiểu là không bị xử lý vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp hoặc về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
– Điều kiện “Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên” được hiểu là có Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học các ngành kỹ thuật, khoa học vật lý, hóa học hoặc sinh học đối với chuyên ngành giám định sáng chế và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; có Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học ngành bất kỳ đối với các chuyên ngành giám định khác;
– Điều kiện “Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên từ 05 năm trở lên” được hiểu là đã trực tiếp làm công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, thanh tra, kiểm tra, pháp chế, tư vấn pháp luật về sở hữu công nghiệp, nghiên cứu khoa học có chức danh nghiên cứu viên, giảng dạy về sở hữu công nghiệp có chức danh giảng viên từ 05 năm trở lên, hoặc những người đã trực tiếp làm công tác giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật, xây dựng quy chế, trực tiếp thực hiện hoặc xét duyệt kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích), hoặc đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa) tại các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc quốc tế từ 05 năm trở lên, hoặc những người đã hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp từ 05 năm trở lên.
b) Hình thức hoạt động giám định
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2.2 Mục I Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2012/TT-BKHCN) thì giám định viên sở hữu công nghiệp có thể hoạt động trong một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa của tổ chức đó hoặc hoạt động độc lập. Trường hợp hoạt động dưới danh nghĩa của tổ chức giám định sở hữu công nghiệp thì thông tin về giám định viên phải được ghi nhận vào Danh sách giám định viên thuộc tổ chức theo thủ tục cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định và hình thức hoạt động đó được ghi nhận vào Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 6 Mục III của Thông tư này.
5. Cấp, cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp
a) Thẩm quyền thực hiện
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Mục III Thông tư 01/2008/TT-BKHCN thì Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên, lập và công bố Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp theo thủ tục quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Mục III của Thông tư này. Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan tiếp nhận và xem xét hồ sơ yêu cầu cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Mục III của Thông tư này.
b) Hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Mục III Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2011/TT-BKHCN), hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên gồm 01 bộ tài liệu sau đây:
– 02 Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên, làm theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;
– Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện nghiệp vụ làm giám định viên sở hữu công nghiệp do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra cấp theo quy định tại điểm c khoản 6 Mục II của Thông tư này;
– Bản sao Chứng minh nhân dân;
– 02 ảnh 3×4 (cm);
– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)
c) Trình tự giải quyết việc cấp Thẻ giám định viên
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Mục III Thông tư 01/2008/TT-BKHCN thì trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:
– Trường hợp hồ sơ đáp ứng quy định tại khoản 2 Mục III của Thông tư này và người nộp hồ sơ đáp ứng các Điều kiện quy định tại khoản 2 Mục I của Thông tư này, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Thẻ giám định viên, trong đó ghi rõ họ tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân và chuyên ngành giám định của người được cấp Thẻ.
– Trường hợp hồ sơ có thiếu sót hoặc người yêu cầu cấp Thẻ giám định viên không đáp ứng các Điều kiện quy định tại khoản 2 Mục I của Thông tư này, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu cấp Thẻ giám định viên sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu cấp Thẻ giám định viên không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp Thẻ giám định viên, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
– Thẻ giám định viên được làm theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
d) Cấp lại Thẻ giám định viên
Căn cứ theo Khoản 4 Mục III Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2011/TT-BKHCN), việc cấp lạị Thẻ giám định viên được quy định như sau:
– Theo yêu cầu của giám định viên, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp lại Thẻ giám định viên trong trường hợp Thẻ giám định viên bị mất, bị lỗi, bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ…) đến mức không sử dụng được; hoặc có sự thay đổi về thông tin đã được ghi nhận trong Thẻ giám định viên theo quy định tại Điểm a khoản 3 Mục III của Thông tư này.
– Giám định viên có nghĩa vụ yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp lại Thẻ giám định viên để ghi nhận lại các thay đổi nêu tại Điểm a trên đây.
– Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục III của Thông tư này cũng được áp dụng đối với thủ tục cấp lại Thẻ giám định viên, trừ tài liệu quy định tại điểm b khoản 2 và thời hạn Cục Sở hữu trí tuệ xem xét hồ sơ là 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ.
– Trong trường hợp Thẻ giám định viên bị lỗi do Cục Sở hữu trí tuệ gây ra, Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm cấp lại Thẻ miễn phí trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được cấp Thẻ.
6. Phạt vi phạm hành chính
Hành vi Làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc cung cấp thông tin không trung thực cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình yêu cầu cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với; bị buộc tiêu hủy tài liệu sửa chữa, làm sai lệch nội dung hoặc giả mạo đối với hành vi vi phạm theo Điểm d khoản 4 Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
Kết luận: Khi thực hiện thủ tục cấp, cấp lại Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Nghị định 119/2010/NĐ-CP, Thông tư 01/2008/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 04/2012/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: