6. Ghi nhận thay đổi về tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp/Người đại diện sở hữu công nghiệp

Posted on

Trong quá trình hoạt động của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc người đại diện sở hữu công nghiệp sẽ có những quy định cụ thể của Luật Sở hữu trí tuệ được đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hoạt đọng pháp lý. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung Ghi nhận thay đổi về tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp/Người đại diện sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009).

Đại diện sở hữu công nghiệp gồm tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp) và cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong tổ chức đó (sau đây gọi là người đại diện sở hữu công nghiệp) (khoản 2 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm (khoản 1 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ 2005):

– Đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;

– Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp;

– Các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

2. Phạm vi hoạt động của đại diện sở hữu công nghiệp

 Phạm vi quyền của đại diện sở hữu công nghiệp (Điều 152 Luật Sở hữu trí tuệ 2005):

– Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp chỉ được thực hiện các dịch vụ trong phạm vi được ủy quyền và được phép ủy quyền lại cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác, nếu được sự đồng ý bằng văn bản của người ủy quyền.

– Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp có quyền từ bỏ hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp nếu đã chuyển giao một cách hợp pháp công việc đại diện chưa hoàn tất cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác.

Lưu ý:

Đại diện sở hữu công nghiệp không được thực hiện các hoạt động sau đây (khoản 3 Điều 152 Luật Sở hữu trí tuệ 2005):

– Đồng thời đại diện cho các bên tranh chấp với nhau về quyền sở hữu công nghiệp;

– Rút đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, tuyên bố từ bỏ sự bảo hộ, rút đơn khiếu nại về việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp nếu không được bên ủy quyền đại diện cho phép;

– Lừa dối hoặc ép buộc khách hàng trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

3. Điều kiện hoạt động

3.1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

Tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009):
– Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;
– Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh);
– Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền phải đáp ứng các điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 155 của Luật này.

3.2. Điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

3.2.1. Cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005):

– Có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

– Hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

3.2.2. Cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây thì được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (khoản 2 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005):

– Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Thường trú tại Việt Nam;

– Có bằng tốt nghiệp đại học;

– Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

– Không phải là công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;

– Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

4. Ghi nhận thay đổi về tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp/Người đại diện sở hữu công nghiệp

Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, người đại diện sở hữu công nghiệp có quyền và nghĩa vụ yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận các thay đổi liên quan đến thông tin đã được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm này và phải nộp phí, lệ phí theo quy định (khoản 44 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN).

Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, người đại diện sở hữu công nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau (khoản 1 Điều 2 Thông tư 13/2010/TT-BKHCN):

– 2 bản Tờ khai yêu cầu ghi nhận thay đổi về tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, người đại diện sở hữu công nghiệp làm theo mẫu 04-YCSĐ quy định tại Phụ lục E của Thông tư này;

– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được sửa đổi của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong trường hợp thay đổi tên, địa chỉ hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

–  Trong trường hợp thay đổi người có chứng chỉ hành nghề là người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp phải nộp bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của tổ chức đối với người có chứng chỉ hành nghề là người đại diện theo ủy quyền của tổ chức và bản sao văn bản uỷ quyền đại diện của người đứng đầu tổ chức (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

– Bản sao chứng từ nộp lệ phí (trường hợp nộp lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Kết luận: Chủ thể tham gia vào hoạt động của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc người đại diện sở hữu công nghiệp sẽ có những quy định cụ thể của Luật Sở hữu trí tuệ phải tuân thủ các điều kiện tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Nghị định 103/2006/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Ghi nhận thay đổi về tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp/Người đại diện sở hữu công nghiệp