12. Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (cấp tỉnh) khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật tài nguyên nước 2012, Nghị định 201/2013/NĐ-CP, Nghị định 82/2017/NĐ-CP, Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012).
Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác (khoản 2 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012).
2. Trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất (sau đây gọi chung là chủ giấy phép) thuộc một trong các trường hợp sau đây phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 3 Nghị định 82/2017/NĐ-CP):
– Đối với khai thác nước mặt:
+ Khai thác nước mặt để phát điện;
+ Khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi.
– Đối với khai thác nước dưới đất:
+ Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi;
+ Khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.
3. Căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 82/2017/NĐ-CP:
Mục đích sử dụng nước, gồm:
– Khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện;
– Khai thác nước dùng cho kinh doanh, dịch vụ;
– Khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi;
– Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác;
– Khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc.
Chất lượng nguồn nước được xác định theo phân vùng chất lượng nước hoặc phân vùng chức năng nguồn nước trong quy hoạch tài nguyên nước; trường hợp chưa có quy hoạch tài nguyên nước hoặc trong quy hoạch chưa phân vùng thì căn cứ vào chất lượng thực tế của nguồn nước theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về chất lượng nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất.
Loại nguồn nước khai thác gồm: Nước mặt, nước dưới đất.
Điều kiện khai thác:
– Đối với nước mặt xác định theo khu vực nguồn nước mặt được khai thác;
– Đối với nước dưới đất xác định theo chiều sâu của tầng chứa nước được khai thác.
Quy mô khai thác:
– Đối với khai thác nước cho thủy điện được xác định theo hồ sơ thiết kế;
– Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước cho mục đích khác với quy định tại điểm a khoản này được xác định theo giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Thời gian khai thác được xác định trên cơ sở thời hạn quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Lưu ý:
– Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (M) được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1% đến 2,0%, được quy định cụ thể tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này (Điều 5 Nghị định 82/2017/NĐ-CP).
4. Thẩm quyền điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 82/2017/NĐ-CP:
– Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức thẩm định hồ sơ tính tiền, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức thẩm định hồ sơ tính tiền, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 82/2017/NĐ-CP:
– Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân nộp Bản kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ được thực hiện đồng thời với việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị điều chỉnh, cấp lại giấy phép về tài nguyên nước;
– Đối với trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và điểm đ khoản 1 Điều này thì chủ giấy phép gửi văn bản đề nghị điều chỉnh kèm theo các tài liệu để chứng minh đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại Điều 10 của Nghị định này.
– Trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 10 của Nghị định này xem xét, quyết định việc điều chỉnh;
– Khi điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phải căn cứ vào giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hiện hành.
– Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quyết định việc điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thông báo số tiền truy thu, hoàn trả cho chủ giấy phép và Cục thuế địa phương nơi có công trình khai thác tài nguyên nước và nêu rõ lý do phải truy thu, hoàn trả.
6. Xử phạt vi phạm hành chính
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi Không nộp hồ sơ điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong trường hợp phải điều chỉnh theo quy định (điểm đ khoản 6 Điều 29 Nghị định 36/2020/NĐ-CP):
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (cấp tỉnh), các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật tài nguyên nước 2012, Nghị định 201/2013/NĐ-CP, Nghị định 82/2017/NĐ-CP, Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (cấp tỉnh)