20. Cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường hàng không phải thực hiện việc phối hợp, đăng ký tần số vô tuyến điện với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)

Posted on

Cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường hàng không phải thực hiện việc phối hợp, đăng ký tần số vô tuyến điện với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Tần số vô tuyến điện 2009, Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTTTT-BGTVT.

1. Một số khái niệm cơ bản

Theo Điều 3 Luật Tần số vô tuyến điện 2009:

Tần số vô tuyến điện là tần số của sóng vô tuyến điện.

Sóng vô tuyến điện là sóng điện từ có tần số thấp hơn 3000 gigahéc (GHz) truyền lan tự do trong không gian, không có dẫn sóng nhân tạo.

Đài vô tuyến điện là một hoặc tổ hợp thiết bị vô tuyến điện, bao gồm cả thiết bị phụ trợ kèm theo được triển khai để thực hiện nghiệp vụ vô tuyến điện. Đài vô tuyến điện được phân loại theo nghiệp vụ mà đài vô tuyến điện đó hoạt động thường xuyên hoặc tạm thời.

2. Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường hàng không

2.1. Điều kiện cấp phép

– Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng với điều kiện như sau (khoản 1 Điều 16 Luật Tần số vô tuyến điện 2009):

+ Sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện vào mục đích và nghiệp vụ vô tuyến điện mà pháp luật không cấm;

+ Có giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông đối với tổ chức xin cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện để thiết lập mạng viễn thông, mạng truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình;

+ Có giấy phép hoạt động báo chí hoặc được quyền phát lại chương trình phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật;

+ Có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi, phù hợp quy hoạch tần số vô tuyến điện;

+ Có thiết bị vô tuyến điện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ;

+ Cam kết thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; kiểm tra, giải quyết nhiễu có hại và an toàn bức xạ vô tuyến điện;

+ Có Chứng chỉ vô tuyến điện viên (khoản 2 Điều 19 Luật Tần số vô tuyến điện 2009)

Sau khi được cấp giấy phép sử dụng phải thực hiện việc phối hợp, đăng ký tần số vô tuyến điện với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) (Điều 10 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTTTT-BGTVT)

Lưu ý:

Một số trường hợp không cần xin giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tuy nhiên  phải tuân thủ điều kiện kỹ thuật và khai thác đối với thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện:

– Thiết bị vô tuyến điện hoạt động ở cự ly ngắn, có công suất hạn chế, ít khả năng gây nhiễu

– Thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu biển, tàu bay nước ngoài đi qua lãnh thổ Việt Nam theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. (Điều 27 Luật Tần số vô tuyến điện 2009)

2.2. Phương thức cấp phép:

Cấp giấy phép trực tiếp: tần số vô tuyến điện phục vụ nhiệm vụ công ích của Nhà nước hoặc không có giá trị thương mại cao hoặc nhu cầu sử dụng không vượt quá khả năng phân bổ tần số vô tuyến điện được xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện

Cấp giấy phép thông qua thi tuyển hoặc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: đối với băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện. (Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009)

2.3. Đối tượng được cấp phép:

– Tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam

– Người nước ngoài sử dụng đài vô tuyến điện nghiệp dư hoặc tần số vô tuyến điện cho mục đích khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. (Điều 19 Luật Tần số vô tuyến điện 2009)

2.4. Thời hạn của giấy phép:

Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện có thời hạn tối đa là 10 năm. Tổ chức, cá nhân có thể đề nghị thời hạn cụ thể cho giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không vượt quá thời hạn tối đa trên. (Điều 16 Luật Tần số vô tuyến điện 2009).

3. Thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện:

– Sử dụng tần số vô tuyến điện nhằm chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Sử dụng tần số vô tuyến điện không đúng với quy định của giấy phép, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

– Cố ý gây nhiễu có hại trái phép cho thiết bị, hệ thống thiết bị vô tuyến điện khác hoặc sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh, cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn vào mục đích khác gây hậu quả nghiêm trọng;

– Cố ý gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp giấy phép;

– Không nộp phí sử dụng và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

– Không triển khai trên thực tế các nội dung quyết định của giấy phép sau thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp giấy phép;

– Khi giấy phép viễn thông, giấy phép hoạt động báo chí hoặc quyền phát lại chương trình phát thanh, truyền hình tương ứng bị thu hồi. (Điều 23 Luật Tần số vô tuyến điện 2009)

4. Xử lí vi phạm hành chính

Căn cứ theo Điều 57 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng với hành vi không gửi văn bản đề nghị cấp lại khi Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện bị mất, bị rách, bị cháy hay bị tiêu hủy như sau:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cố ý gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

– Phạt bổ sung và khắc phục hậu quả: Tịch thu và nộp lại số lợi bất hợp pháp của các hành vi nêu trên.

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không tuân thủ điều kiện kỹ thuật và khai thác.

Kết luận: Tổ chức, cá nhân sẽ được Cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường hàng không theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện 2009, Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTTTT-BGTVT.

Chi tiết thủ tục, mẫu đơn xem tại đây:

Cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường hàng không phải thực hiện việc phối hợp, đăng ký tần số vô tuyến điện với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)