7. Xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch”
“Huy chương”, “Kỷ niệm chương” để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội. Quy trình xét tặng các danh hiệu này cũng được Nhà nước quy định hết sức chặt chẽ. Sau đây, Dữ liệu pháp lý có một số vấn đề cần lưu ý khi xét tặng các danh hiệu này dựa trên Luật thi đua khen thưởng 2003 (sửa đổi 2013); Nghị định 91/2017/NĐ-CP; Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL.
1. Kỷ niệm chương và Huy hiệu
Căn cứ quy định tại Điều 37 Nghị định 91/2017/NĐ-CP:
– Kỷ niệm chương để tặng cho cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, có thời gian tham gia công tác tại bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội hoặc cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội.
Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội quy định tên, đối tượng và tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương.
– Huy hiệu để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tên, đối tượng và tiêu chuẩn tặng Huy hiệu.
– Kỷ niệm chương, Huy hiệu phải được đăng ký với Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trước khi ban hành.
– Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” (sau đây gọi tắt là Kỷ niệm chương) là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để ghi nhận công lao của cá nhân có quá trình cống hiến hoặc có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch(Khoản 2 Điều 1 Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL)
2. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL thì các đối tượng sau đây được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch”:
1. Cá nhân đã, đang công tác trong Ngành văn hóa, thể thao và du lịch (sau đây gọi tắt là Ngành).
2. Cá nhân công tác ngoài Ngành có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Ngành.
3. Người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Ngành
3. Nguyên tắc, thời gian xét tặng Kỷ niệm chương
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL:
1. Kỷ niệm chương chỉ xét tặng một lần cho cá nhân, không có hình thức truy tặng.
2. Bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai; đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn.
3. Không xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đã được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thể dục thể thao”, Huy chương “Vì sự nghiệp Du lịch”, các Huy chương, Kỷ niệm chương của ngành Văn hóa – Thông tin trước đây, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số, gia đình và trẻ em” và cá nhân đang bị xem xét hoặc bị hình thức kỷ luật buộc thôi việc, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có liên quan đến các vụ án hình sự.
4. Kỷ niệm chương được xét tặng 2 đợt vào tháng 3 và tháng 7 hàng năm.
4. Quyền và trách nhiệm của cá nhân được tặng Kỷ niệm chương
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL:
1. Cá nhân đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
2. Cá nhân đủ tiêu chuẩn quy định tại các điều 5, 6, 7 và 8 của Thông tư này được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định.
3. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương được nhận Giấy chứng nhận, Kỷ niệm chương và tiền thưởng theo quy định tại Điều 76 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
4. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương có trách nhiệm tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống của Ngành, gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
5. Tiêu chuẩn xét tặng kỷ niệm chương
5.1 Đối với cá nhân công tác trong Ngành
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL thì cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây được xét tặng Kỷ niệm chương:
1. Có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên đối với nam và 15 năm trở lên đối với nữ (bao gồm cả thời gian được cử đi học hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự). Trường hợp có thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo thì thời gian công tác thực tế tại các địa bàn trên được nhân với hệ số 1,3 để tính thời gian công tác trong ngành.
2. Cá nhân có đủ thời gian công tác theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng bị kỷ luật dưới mức buộc thôi việc chỉ được xét tặng Kỷ niệm chương sau 02 năm tính từ thời điểm xóa kỷ luật. Thời gian chịu kỷ luật không được tính để xét tặng Kỷ niệm chương.
5.2 Đối với cá nhân công tác ngoài Ngành
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL thì cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây được xét tặng Kỷ niệm chương:
1. Đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đủ một nhiệm kỳ. Lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đủ 5 năm công tác có thành tích trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Có công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ được nghiệm thu xếp loại Tốt; đoạt giải Vàng (giải A), Giải Bạc (giải B) tại các Cuộc thi sáng tác, biểu diễn, triển lãm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tổ chức, có giá trị thiết thực phục vụ cho sự nghiệp của Ngành.
3. Có đóng góp tích cực vào việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính, phục vụ cho sự nghiệp của Ngành.
Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng quyết định
5.3 Đối với người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL thì người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây được xét tặng Kỷ niệm chương:
1. Có công đóng góp xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa ngành với các nước và các tổ chức quốc tế, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
2. Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng quyết định.
6. Những trường hợp được xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn so với quy định
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL thì những trường hợp sau đây được xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn so với quy định:
1. Diễn viên Múa, diễn viên Xiếc, vận động viên có thời gian công tác ít hơn 05 năm so với thời gian công tác quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
2. Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương ngay sau khi có quyết định khen thưởng các danh hiệu này.
Kết luận: “Huy chương”, “Kỷ niệm chương” để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội. Việc xét tặng các danh hiệu này cần tuân thủ đúng quy trình xét tặng được Nhà nước quy định tại Luật thi đua khen thưởng 2003 (sửa đổi 2013); Nghị định 91/2017/NĐ-CP; Thông tư 11/2014/TT-BVHTTDL.