4. Nội dung, hình thức xét tuyển công chức, viên chức
Nội dung, hình thức xét tuyển công chức, viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn, từ đó lựa chọn được người phù hợp với vị trí việc làm. Nội dung trên sẽ được Dữ Liệu Pháp Lý cụ thể qua Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, Nghị định 138/2020/NĐ-CP, Văn bản hợp nhất 02/NĐHN-BNV năm 2019 (Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức), Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019 (Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức), Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019)
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. (Điều 2 Luật Viên chức 2010)
Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. (Khoản 3 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008)
Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. (Khoản 4 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008)
Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật. (Khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008)
Tuyển dụng là việc lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực vào làm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. (Khoản 4 Điều 3 Luật Viên chức 2010)
2. Nội dung, hình thức xét tuyển công chức
Xét tuyển công chức theo quy định tại Điều 11 Nghị định 138/2020/NĐ-CP được thực hiện theo 2 vòng như sau:
– Vòng 1
Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
Lưu ý: Chậm nhất là 05 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển tại vòng 1, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo triệu tập thí sinh dự phỏng vấn vòng 2. (Khoản 1 Điều 12 Văn bản hợp nhất 02/NĐHN-BNV năm 2019).
– Vòng 2
+ Phỏng vấn để kiểm tra về kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
+ Thời gian phỏng vấn 30 phút (thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị trước khi phỏng vấn);
+ Thang điểm: 100 điểm.
Lưu ý: Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả phỏng vấn (Điểm d khoản 2 Điều 12 Văn bản hợp nhất 02/NĐHN-BNV năm 2019).
3. Nội dung, hình thức xét tuyển viên chức
Xét tuyển viên chức được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 và Điều 11 Nghị định 115/2020/NĐ-CP theo 2 vòng như sau:
– Vòng 1
Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
– Vòng 2 được thực hiện như quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
+ Hình thức thi: Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; thực hành; thi viết.
+ Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành phải căn cứ vào nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức và phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
+ Thời gian thi:
Thi phỏng vấn 30 phút (trước khi thi phỏng vấn, thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị);
Thi viết 180 phút (không kể thời gian chép đề);
Thời gian thi thực hành do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển.
+ Thang điểm (thi phỏng vấn, thực hành, thi viết): 100 điểm.
+ Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức có yêu cầu cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi tại vòng 2 thì thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.
Lưu ý: Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả phỏng vấn hoặc thực hành. (Điểm d Khoản 2 Điều 11 Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019 ).
4. Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi xét tuyển công chức
Người trúng tuyển trong kỳ thi xét tuyển công chức phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 12 Nghị định 138/2020/NĐ-CP sau:
– Có kết quả điểm vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên;
– Có kết quả điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
Lưu ý:
– Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 138/2020/NĐ-CP bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển;
Nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
– Người không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức không được bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.
5. Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi xét tuyển viên chức
Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 10, 12 Nghị định 115/2020/NĐ-CP sau:
– Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên.
– Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
Lưu ý:
– Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều Nghị định 115/2020/NĐ-CP bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển;
Nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.
– Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
– Theo Khoản 3 Điều 13 Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019 thì trường hợp người dự xét tuyển viên chức thuộc nhiều diện ưu tiên quy định tại Khoản 3 Điều 10 Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019 thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm thi tại vòng 2 theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019 .
Kết luận: Nội dung, hình thức xét tuyển công chức, viên chức được thực hiện theo các quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, Nghị định 138/2020/NĐ-CP, Văn bản hợp nhất 02/NĐHN-BNV năm 2019 (Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức), Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019 (Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức), Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Nội dung, hình thức xét tuyển công chức, viên chức