6. Trình tự tổ chức tuyển dụng công chức

Posted on

Trình tự tổ chức tuyển dụng công chức được quy định chi tiết giúp người dự tuyển nắm rõ các bước tổ chức, từ đó sẽ có hướng đi và kế hoạch dự tuyển rõ ràng. Trình tự trên sẽ được Dữ Liệu Pháp Lý cụ thể qua Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, Nghị định 138/2020/NĐ-CP, Văn bản hợp nhất 02/NĐHN-BNV năm 2019 (Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức).

1. Khái niệm

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019)

Tuyển dụng là việc lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực vào làm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. (Khoản 4 Điều 3 Luật Viên chức 2010)

2. Trình tự tổ chức tuyển dụng công chức

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 138/2020/NĐ-CP thì trình tự được tổ chức như sau:

Bước 1: Thành lập Hội đồng tuyển dụng do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định.

Bước 2: Thành lập Ban Kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển do Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng quyết định chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thành lập Hội đồng tuyển dụng.

Trường hợp người dự tuyển không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển thì chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển, Hội đồng tuyển dụng có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới người đăng ký dự tuyển được biết theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký.

Bước 3: Tổ chức thi tuyển:

– Hội đồng tuyển dụng thông báo danh sách và triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi vòng 1, đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông báo triệu tập thí sinh được tham dự vòng 1, Hội đồng tuyển dụng phải tiến hành tổ chức thi vòng 1.

– Tổ chức thi vòng 1:

  + Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng tổ chức thi vòng 1 trên máy vi tính thì phải thông báo kết quả cho thí sinh được biết ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài thi trên máy vi tính.

Lưu ý: Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1 trên máy vi tính.

  + Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng tổ chức thi vòng 1 trên giấy thì việc chấm thi thực hiện như sau:

  Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc thi vòng 1 phải hoàn thành việc chấm thi vòng 1;

  Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1 phải công bố kết quả thi để thí sinh dự thi biết và thông báo việc nhận đơn phúc khảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả thi trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng;

  + Trường hợp có đơn phúc khảo thì chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo phải hoàn thành việc chấm phúc khảo và công bố kết quả chấm phúc khảo để thí sinh dự thi được biết.

  Căn cứ vào điều kiện thực tiễn trong quá trình tổ chức chấm thi, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng quyết định kéo dài thời hạn thực hiện các công việc quy định tại điểm này nhưng tổng thời gian kéo dài không quá 15 ngày.

– Tổ chức thi vòng 2:

Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1, Hội đồng tuyển dụng phải lập danh sách và thông báo triệu tập thí sinh đủ điều kiện dự thi vòng 2, đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông báo triệu tập thí sinh được tham dự vòng 2, Hội đồng tuyển dụng phải tiến hành tổ chức thi vòng 2.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng tổ chức thi vòng 2 bằng hình thức thi viết hoặc hình thức thi kết hợp phỏng vấn và viết thì việc chấm thi viết và chấm phúc khảo thi viết thực hiện như quy định tại Điểm b Khoản 3 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.

Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 2 bằng hình thức phỏng vấn.

Bước 4: Tổ chức xét tuyển:

Chậm nhất 05 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển tại vòng 1, Hội đồng tuyển dụng phải lập danh sách và thông báo triệu tập thí sinh đủ điều kiện dự phỏng vấn tại vòng 2, đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông báo triệu tập thí sinh được tham dự vòng 2 thì phải tiến hành tổ chức phỏng vấn tại vòng 2.

Lưu ý: Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả phỏng vấn tại vòng 2.

3. Tổ chức tuyển dụng công chức

Tổ chức tuyển dụng được quy định tại Điều 16 Văn bản hợp nhất 02/NĐHN-BNV năm 2019 được thành lập như sau:

– Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng để tổ chức việc tuyển dụng.

Trường hợp không thành lập Hội đồng tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức giao bộ phận tổ chức cán bộ thực hiện.

Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức.

Kết luận: Trình tự tổ chức tuyển dụng công chức được thực hiện theo các quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, Nghị định 138/2020/NĐ-CP, Văn bản hợp nhất 02/NĐHN-BNV năm 2019 (Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức).

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Trình tự tổ chức tuyển dụng công chức